“THREE EXTREMES” REVIEW

4/5

Khởi đầu từ ý tưởng của “Three” năm 2002, các nhà sản xuất tiếp tục thực hiện phần tiếp theo bằng ba phim ngắn kinh dị mới. Đến từ ba cái nôi của thể loại kinh dị châu Á: Hong Kong, Hàn Quốc, và Nhật Bản, “Three Extremes” là một trong số ít, và có lẽ là duy nhất, ví dụ điển hình cho khả năng đáng sợ của một phim dài thông qua sự kết nối ba phim ngắn vốn không liên quan. Mỗi phim là một câu chuyện riêng biệt, với những ý tưởng rất khác, được thể hiện đến mức cực độ của khả năng hù doạ qua những đặc trưng của dòng phim kinh dị châu Á vốn đã tạo dựng được cái đẹp riêng.

Nhưng có lẽ, với những ai mong chờ một bộ phim thiên về thị giác mạnh mẽ, có lẽ sẽ thất vọng không ít. Rõ thấy nhất là “Box,” một bộ phim Nhật Bản điển hình khi tận dụng hiệu quả yếu tố kỳ ảo, cắt cảnh thông minh, và cấu trúc vòng lặp. Được tạo ra bởi Takashi Miike,(Audition), “Box” có cốt truyện thông minh, phần nào đó hơi dị biệt đúng phong cách của ông. Chỉ sử dụng yếu tố hình ảnh ở một vài phân cảnh, phụ thuộc quá nhiều vào cốt truyện được kể theo kiểu nửa thực nửa ảo, lại là điểm yếu của “Box” khi 40 phút là không đủ để có thể tạo được hiệu ứng mạnh nhất. Nhưng chỉ nhiêu đó là đã đủ. Cách sự hồi hộp, sự bí ẩn, và đương nhiên, sự khác biệt của cái kết, thấm dần vào tâm trí người xem, lại là một nghệ thuật mà dường như nhiều nhà làm phim kinh dị đã quên.

“Cut” của Park Chan Wook (Oldboy, Thirst), lại là một bộ phim sử dụng nhân vật hiệu quả hơn. Vẫn là một câu chuyện hay, đủ khác biệt, nhưng lại được diễn tả rất gọn gàng trong 40 phút. Lối kể chuyện giữ được nhịp độ ổn định, Park chứng minh thế mạnh lấy bản ngã của con người làm vũ khí, lại phát huy tối đa, hơn hẳn lối hù doạ bằng hình ảnh thường dùng. “Cut” chứng minh khả năng sáng tạo có thể đạt đến giới hạn như thế nào trong phim kinh dị, khi chỉ cần một câu chuyện rất đời thường, khả năng dẫn truyện tuyệt hảo, và một căn phòng được thiết kế theo phong cách châu Âu cổ điển.

Nhưng hoá ra “Dumblings” của Fruit Chan (Made In Hong Kong) lại là phim hay nhất trong cả ba, đến từ một đạo diễn ít tên tuổi nhất. Phần nào đó gợi lại những tin đồn và tranh cãi xung quanh một vấn đề mà chúng ta đã nghi ngờ người Trung Quốc từ rất lâu, “Dumblings” lột tả sự đáng sợ của cuộc sống đơn giản có thể ám ảnh đến cực độ. Không sử dụng cấu trúc phức tạp như “Box”, hay cốt truyện quá li kì như “Cut”, “Dumblings” lại chứng tỏ điều đáng ghê sợ nhất lại chính từ những hành động, những ước muốn, thèm khát đơn giản nhất của con người. Hình ảnh hiệu quả và đậm chất kinh dị, cũng như âm thanh xử lý thông minh và rất đúng thời điểm, phim âm thầm để người xem nghi ngờ, thắc mắc, và cảm thấy rùng mình đến mức tối đa với cảnh cuối.

Dù tập trung nhiều vào nghệ thuật kể chuyện, ý tưởng sáng tạo, và đặc trưng quen thuộc, “Three Extremes” vẫn tiếp tục chứng minh vẻ đẹp thuần tuý của phim kinh dị trong suốt quá trình nó tồn tại. Không cần nhiều màn hù doạ đột ngột hay bằng hình ảnh tác động mạnh, cũng chẳng cần tới một thế giới bên kia, đối với ba phim ngắn này, cuộc sống hiện tại ở đây vốn đã rất đáng sợ rồi. Đó sẽ luôn là nét đẹp của dòng phim kinh dị châu Á vốn đã mê hoặc những người xem phim đơn giản là tìm kiếm một phim kinh dị, nhưng lại kết thúc bằng một điều gì đó đáng sợ hơn.