Stephen King’ It

Đổi gió tí nào, được không? Nói vậy là vì tôi rất ít khi chia sẻ cảm nhận về những phim hiện đại, nhưng là một fan của phim kinh dị (không-phải-kinh-dị-nhảm) thì It rất đáng để tôi háo hức chờ đợi được cơ hội xem thử và đánh giá. Dựa trên tiểu thuyết “It” năm 1968, một phiên bản điện ảnh đã được dự đoán là chắc-chắn-phải-có, vì tính chất câu chuyện kinh dị rất độc đáo về mặt cấu trúc, đặc sắc về mặt biểu tượng, và nhân văn về mặt ý nghĩa. Chẳng phải đó là những điều tuyệt vời nhất về những tác phẩm của Stephen King nói chung? Và cuối cùng với rất nhiều thời gian, năm 2017 chứng kiến “It” trên màn ảnh lớn (màn RPX đối với cá nhân tôi), may mắn là vẫn còn giữ những vẻ đẹp đó.

Andy Muschietti có thể thất bại với “Mama”, nhưng lại đạt được chuẩn của một đạo diễn với những gì cần làm trong thể loại kinh dị, và đặc biệt là một câu chuyện đòi hỏi khả năng đạo diễn cao như “It”. Tôi thích cách ông đánh giá đúng khả năng và chỉ đạo một cách rất sát những diễn viên nhỏ tuổi. Điều này rất dễ thấy được mỗi khi Ritchie tung một câu hài hước, cách cậu nói rất nhanh và cử động tay rất sôi nổi. Pennywise mang hình ảnh rất mới và phong cách khác lạ so với bản mini-series của thế kỷ trước, và dù nhiều người đánh giá cao Bill Skarsgard trong vai chàng hề (có thật sự là hề?), tôi nghĩ điều đó không thật sự đặc sắc. Bởi vì Pennywise chưa bao giờ là trọng tâm trong câu chuyện của Stephen King.

It-Movie-2017-Cast-Photos-Pennywise-Losers-Club

Chúng ta rất may mắn khi “It” của năm 2017 chia sẻ chung cấu trúc kể chuyện với bản gốc tiểu thuyết, vì nếu nó khác đi, cứ lấy Pennywise chui từ ống cống lên để giết từng đứa một thì tôi và hẳn là mọi người đều không cảm thấy phim này hay như vậy. Để câu chuyện về những nỗi sở trẻ nhỏ làm trọng tâm và đặt con quái vật sang một bên là cách kể chuyện không thể nào hiệu quả hơn, cả trong truyện lẫn được diễn tả dưới hình ảnh. Nhưng đáng tiếc đây cũng là điểm yếu của phim. Vì Andy đã không tận dụng tốt thời gian trong phim để đào sâu hơn vào mỗi nỗi sợ của mỗi đứa trẻ. Chúng ta không thể hiểu được rõ tại sao chúng lại sợ những cá mà Pennywise dùng để ra tay, và phần nào đó những màn jump-scare chỉ mang tính chất Jump là chủ yếu.

DFw2p00UIAA14-t

Một điểm đáng khen nữa của “It” là phần hình ảnh được đảm nhận bởi Chung-hoon Chung, và phần nào đó tôi có thể nhận thấy phong cách quay phim thường thấy của ông trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hàn như “Oldboy”, “Thirst”, và gần đây nhất là tuyệt tác hình ảnh “The Handmaiden”. Góc quay rộng và sáng tạo, di chuyển mượt mà, và dùng ánh mắt nhân vật làm hướng điểm tuy là những cách rất truyền thống của điện ảnh Hàn Quốc, nhưng đó là đủ để làm bộ phim khác với những cảnh hù doạ được quay chớp nhoáng và phần nào đó qua loa, rối mắt trong phim kinh dị hiện đại. Tôi nghĩ chỉ riêng những cảnh đầu tiên của phim, từ cách quay mưa, cách Georgie chơi đùa với chiếc thuyền giấy, và cảnh cậu chết, cũng sẽ mất hàng chục năm để có thể thành thạo được. Nhưng đương nhiên với những nghệ sĩ Hàn Quốc đã quá huyền thoại, đó chỉ là một chuyện thường tình và là một cái gì đó mà họ dành tặng cho điện ảnh Hollywood vốn đã rất nhàm chán về mặt hình ảnh. Và bản thân “It” cũng vậy đối với bối cảnh chung của phim kinh dị hiện nay.

it-2017-runtime.jpg

Yasujiro Ozu’s “Late Spring”

Mai trời sẽ lại nắng đấy

Tôi luôn thích xem những phim của Ozu, sau đó ngồi suy nghĩ một chút về những cảm xúc mà những gì tôi vừa xem để lại. Những tác phẩm của ông thường rất đặc biệt ở chỗ đó. Người xem sẽ rất khó để nhận biết lúc nào Ozu gieo những xúc động và những phản ứng. Đó là một đặc điểm của một người nghệ sĩ khi ông để cho người xem tận hưởng câu chuyện mà không phải chịu áp đảo quá nhiều, nhưng lại phải chú tâm và tận hưởng một cách thật sự, và cuối cùng là nhẹ nhàng suy ngẫm.

Với “Late Spring,” ông vẫn giữ nhịp phim từ chậm cho tới rất chậm, vẫn là một phong cách quay phim không bao giờ di chuyển máy quay, và những đoạn đối thoại rất được chắt lọc.  Khác với “Tokyo Story,” đây là bộ phim mà người xem có thể nhận thấy rõ cấu trúc rất gần với kịch sân khấu, và phần nào đó làm tôi nhớ tới cải lương ở Việt Nam. Nhẹ nhàng nhưng bi kịch. Đặc biệt là cái kết chia đôi của phim gần như hiện giờ rất khó tìm ở mức độ hiệu quả tương tự.

late-spring-19492-e1333826154363

Nó chia đôi, một cho người cha, và một cho người con gái của ông. Noriko (Setsuko Hara) là một người phụ nữ đã gần hết tuổi trẻ nhưng vẫn chưa lập gia đình và chỉ sống cuộc sống bình lặng với người cha, cũng là một người đàn ông đã mất vợ. Cả câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề tại sao Noriki không lấy chồng. Nhưng thật ra không ai thật sự hỏi câu hỏi đó. Người cô của Noriko luôn thúc giục, và thậm chí là đứng ra làm mai. Người bạn thân nói rằng dù muốn hay không cô vẫn phải lấy chồng. Người bạn của cha thì lại muốn cô tin vào hôn nhân là không phải cái gì xấu. Thế nhưng, khi Noriko dần dần sống với những lời góp ý đó, chúng ta lại nhận ra kết hôn đối với người phụ nữ Nhật Bản sau chiến tranh lại là một điều rất gượng ép. Vì người cô chỉ tin vào mê tín ở hôn nhân, người bạn thân thật ra đã li dị một lần, và người chú kia cũng vừa tái hôn. Không ai trong số họ thật sự hạnh phúc với hôn nhân. Và như đã nói, họ chưa bao giờ thật sự hỏi Noriko tại sao không cần tới hôn nhân.

LATE-SPRING-MAIN1520

Tôi rất thích Setsuko Hara trong vai Noriko. Mỗi lần cô đáp trả với những lời khuyên đó là mỗi lần cô nhún nhường, hiền lành và lạc quan. Setsuko rất hay trong việc để cho Noriko là một hình ảnh người phụ nữ gần 30 nhưng cực kỳ yêu đời, không đi làm, chưa bao giờ nói tới tiền, thích đạp xe đạp dọc bờ biển, và nghĩ rằng cắt dưa mà bị dính nghĩa là hay ghen. Nhưng Setsuko sẽ không phải là diễn viên huyền thoại Nhật Bản nếu cô không cho một chút biến hoá vào hình tượng này. Cô âm thầm chịu đựng bên trong vẻ ngoài thoải mái, cô giấu kín nỗi cay đắng và nở nụ cười khi nói rằng người đàn ông cô yêu đã đính hôn.

latespring.png

Dựa trên tiểu thuyết “Father and Daughter” của Kazuo Hirotsu, nhân vật người cha trong phim cũng rất đáng chú ý và cũng là đỉnh cao trong nghệ thuật nghiên cứu nhân vật của Ozu. Ông bị mắc kẹt, khi phải chọn giữa việc ai sẽ phải là người sống cả đời còn lại một mình, ông hay là con gái ông. Đương nhiên ông muốn con gái mình hạnh phúc, và cái kết của ông cũng rất bất ngờ trong lời nói dối mà ông thực hiện, nhưng có thể thấy rõ ông yêu thương và gắn bó với người con gái này nhiều như thế nào, và luôn là niềm vui trong cuộc sống của ông.

Dù vậy, hai cha con vẫn chưa bao giờ thật sự có những gì đáng nhớ. Chúng ta sẽ được thấy rất nhiều lần cảnh Noriko về nhà, người cha ngồi phía trong, và cuộc sống họ vẫn chỉ có vậy. Ông vẫn luôn ngồi đó, và Noriko vẫn luôn về nhà một mình, dù buồn hay vui. Khi hai người đi du lịch cùng nhau lần cuối trước khi Noriko quyết định lấy chồng, cả hai mới chợt nhận ra cuộc sống của những ngày vừa qua trôi đi thật nhanh, và phải chi họ có nhiều thời gian đáng nhớ hơn.

LATE-SPRING-21520

Đến cuối cùng, rất dễ hiểu tại sao Noriko lại chấp nhận sống một cuộc sống đơn độc suốt thời gian qua. Cô yêu thương người cha hơn cả cuộc sống của cô. Cô tin rằng tình yêu là một điều thiêng liêng và khi người đàn ông cô yêu đã đính hôn, cũng chẳng còn lí do nào để nghĩ đến lễ cưới của riêng mình. Người phụ nữ Nhật Bản mong muốn được bám víu vào những gì thân thuộc, những gì đã gắn bó với mình từ rất lâu rồi, đó là hạnh phúc đơn giản và cao cả nhất của họ.

Nhưng mùa xuân nào rồi cũng phải đến. Trễ hay sớm thì cũng vậy. Ozu mang đến những cảm xúc của một xã hội ép người phụ nữ rằng hôn nhân cũng như vậy. Không sớm thì muộn. Khi những ngày nắng đến báo rằng mùa xuân đã về, thì không gì người phụ nữ có thể thay đổi được.