Cũ Và Mới

Tuyến xe buýt tôi hay đi là tuyến số 4, trải dài khoảng 70 km. Tuyến này có hai loại xe, một loại cũ đi nhưng vẫn còn chạy tốt, với ít chỗ ngồi hơn, ghế chỉ được sơn màu xanh, và một loại được làm mới sau này, với kích thước xe dài gấp đôi, và ghế được bọc vải có hoa văn. Tuy cả hai xe đều chạy rất ổn, xe mới đương nhiên có cuốn hút hơn, với bảng hiệu sáng hơn, đèn dễ chịu hơn, và tiếng xe cũng không ồn bằng xe cũ.

Nhưng tôi rất bất ngờ với xe cũ. Một điều thú vị là do ghế ngồi ở xe cũ chỉ được sơn lên, nên họ phải thêm một lớp đệm cao su trên ghế, và phần đệm này ngồi êm hơn rất nhiều so với ghế ngồi chỉ được bọc vải ở xe mới. Nhất là khi những đoạn đường xấu, phần vải mỏng với hoa văn trang trí đẹp ở xe mới không hề có tác dụng trong việc tạo ra cảm giác thoải mái khi ngồi, điều mà thật ra lại được quan tâm nhiều hơn là vẻ bề ngoài của chiếc xe.

Những ngày tìm hiểu MoMA gần đây cho tôi thấy giá trị của cũ và mới. Bản chất là một bảo tàng tập trung vào nghệ thuật hiện đại, nhưng định nghĩa của MoMA về “hiện đại” rất khác so với phần còn lại. Đối với MoMA, nghệ thuật hiện đại không phải là một xu hướng cách tân và mang tính đương đại. Nghệ thuật hiện đại đối với MoMA là những tác phẩm sẵn sàng xoá bỏ những quy luật cũ đã tồn tại rất lâu. Điều đó không có nghĩa là những tác phẩm tiêu biểu ở MoMA đều được tạo ra trong thời hiện đại, sử dụng công nghệ hiện đại.

Điển hình như bức “Starry Night” của Van Gogh được vẽ từ năm 1889, nhưng hiện nay vẫn là một trong những tác phẩm nghệ thuật hiện đại quan trọng nhất của MoMA. Vì tác phẩm cho thấy sự chuyển mình hướng đến sự tự do mới của Van Gogh, một sự phá vỡ những luật lệ về đường nét và màu sắc. “Hiện đại” không phải là “mới”. “Hiện đại” nghĩa là “xoá bỏ cái cũ”.

Quay trở lại ví dụ của những chiếc xe. Xe mới, được tạo ra bởi bề ngoài mới, nhưng nếu không giữ được giá trị bên trong, tính hiện đại cũng không có ý nghĩa. Tương tự với những tác phẩm được tạo ra bởi những công cụ hiện đại hiện nay, nếu không sẵn sàng bỏ đi những luật lệ và hướng tới một sự tự do mới, sẽ không mang được tính hiện đại.

Cũ và mới không hẳn được quyết định bởi vẻ bề ngoài và công cụ tạo ra chúng. Nó hoàn toàn được phân định bởi câu hỏi ai có thể tự tin sáng tạo một cách tự do, và ai chỉ có thể sáng tạo trên những luật lệ cũ.

NGƯỜI NHẬT TỪNG TẠO RA MỘT ĐẾ CHẾ ĐIỆN ẢNH. ĐÃ ĐẾN THỜI ĐIỂM CỦA ÂM NHẠC.

Thị trường âm nhạc toàn cầu bị chia phối bởi ba cái tên lớn nhất: Universal Music, Warner Music, và Sony Music. Hai cái tên đầu tiên lần lượt thuộc quyền sở hữu của những tập đoàn giải trí tại Mỹ, trong khi Sony Music thuộc Sony Entertainment, và nằm trong tập đoàn lớn Sony đến từ Nhật. Sony, cùng với hai cái tên còn lại, nằm giữ 80% hoặc nhiều hơn nữa, sản phẩm âm nhạc trên toàn thế giới. Nhưng tại sao Sony lại không thể mang nền âm nhạc Nhật Bản trở nên phổ biến và phát triển rộng rãi hơn đến thị trường Mỹ, nơi Sony Music vẫn đang phát triển cực kỳ mạnh, và lớn hơn nữa là đến toàn thế giới?

Câu trả lời rất đơn giản, Sony không cần làm vậy, và người Nhật không cần làm vậy.

Rất khó tin nếu mọi người biết đến một sự thật rất rõ ràng và đơn giản, hoá ra thị trường âm nhạc Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Phải, là Nhật Bản, không phải là Hàn Quốc, hay Anh, Đức và những nước khác. Và tương tự như thị trường điện ảnh từ trước đến nay, người Nhật không khát khao cao độ mang sản phẩm của họ đến thị trường nước ngoài. Hãy nhìn vào sự phát triển của điện ảnh Nhật Bản trong suốt chiều dài lịch sử, từ thế hệ dẫn đầu trong nghệ thuật quay phim, cho tới thời đại bùng nổ của phim hoạt hoạ, Nhật Bản luôn là một đế chế thật sự. Và âm nhạc cũng vậy.

img_0-2

Vậy tại sao khi châu Á dường như chỉ biết đến âm nhạc Hàn Quốc, còn Nhật Bản thì âm thầm nắm giữ ngôi vương? Lí do duy nhất có lẽ là người Nhật phát triển theo cách riêng của họ. Thế giới đã quá quen thuộc với triết lý của người Nhật trong việc tạo ra và sống cùng sản phẩm của mình. Giá trị của âm nhạc Nhật đầu tiên nằm ở chất lượng đĩa CD. Giá đĩa CD âm nhạc, bao gồm những đĩa đơn và album, luôn rất cao ở Nhật nếu so với những thị trường khác, với mức giá trung bình là 34$. Mức giá đó đã đẩy doanh thu từ âm nhạc tại Nhật Bản lên rất cao và hiện tại đã đứng thứ hai thế giới. Khi mô hình âm nhạc online như Spotify, Apple Music bắt đầu du nhập vào Nhật Bản, dường như sẽ còn rất lâu nữa người Nhật mới bắt đầu tỏ vẻ thích thú, vì họ không bao giờ thích việc trả một và nghe được nhiều bài hát. Người Nhật luôn tâm đắc với việc chỉ trả tiền cho những gì họ thật sự mong muốn. Nhưng liệu còn ai sẵn sàng trả tiền cho đĩa CD?

18094690_258559987886067_8285965265242423296_n

 

Một điều nữa mà thế giới đã quá quen ở người Nhật, là sự cổ điển của họ. CD vẫn là phương thức tiếp cận âm nhạc phổ biến nhất tại Nhật, và dù số lượng đĩa CD bán ra đã giảm đi trong những năm trở lại đây, con số mọi người đến những cửa hàng đĩa vẫn là nhiều nhất nếu so với phương thức nghe nhạc online. Lượng đĩa CD bán ra tại Nhật chiếm đến 75% tổng lượng đĩa CD toàn cầu, trong khi con số ở Mỹ chỉ đạt 25%. Số lượng cửa hàng đĩa cũng đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển này, khi hiện tại vẫn còn hơn 2000 cửa hàng đĩa nhạc khắp nước Nhật, một con số rất khó để bắt gặp ở những đất nước phát triển khác. Nhưng với mức giá 34$, tại sao người Nhật vẫn còn yêu thích CD nhiều đến vậy? Lí do là vì giá trị của một sản phẩm hoàn thiện, chỉnh chu và tỉ mỉ mới là điều quan trọng với ngừoi Nhật. Những hãng đĩa nội địa Nhật sau khi mua lại bản quyền của những bản đĩa nước ngoài, từ những thị trường âm nhạc khác, sẽ tự tạo ra một phiên bản dành riêng cho người Nhật, với chất lượng cao hơn, lời bài hát được dịch theo tiếng Nhật, và thậm chí là chi tiết về những bài hát trong album. Đó là lí do tại sao gần như tất cả những nghệ sĩ lớn trên toàn thế giới luôn phải có một phiên bản đặc biệt dành riêng cho thị trường Nhật Bản, với những bài hát mới được thêm vào, vì nếu không làm theo cách này, họ gần như không thể cạnh tranh với những đĩa nhạc nội địa.

20130707000108_0

Như đã nói, người Nhật luôn có cách phát triển của riêng họ. Nhiều năm trước, khi thế giới vẫn còn say mê với những chiếc máy điện thoại Nokia cổ điển, người Nhật đã có những chiếc điện thoại chụp hình tuyệt đẹp, nghe nhạc cực kỳ tốt, và thậm chí họ còn có điện thoại nắp gập trước bất cứ ai. Và khi giờ mọi người đã say mê với những thiết bị hiện đại hơn, Nhật Bản vẫn đắm chìm trong những thiết bị của thời đại trước, không khó để tìm ra một chiếc điện thoại nắp gập nếu ai đó muốn đi du lịch đến Nhật. Với điện ảnh cũng vậy, người Nhật là những người sớm nhất tìm ra phương thức kể chuyện xoay quanh vấn đề nhân văn, và khi thời kỳ hiện đại chứng kiến nhiều bộ phim giải trí nhiều hơn, người Nhật vẫn thích làm phim mang đậm ý nghĩa nhân văn hơn.

Âm nhạc cũng vậy. Sony, một tập đoàn lớn đến từ Nhật, thật ra không hề cố gắng trong việc mang nền âm nhạc quê hương ra thế giới, mà ngược lại. Sony đang cố gắng mang những nghệ sĩ của mình, những cái tên như Beyonce, Adele, Bruno Mars, Taylor Swift, và nhiều nữa, bằng cách nào đó, có thể có chỗ đứng tại Nhật Bản. Đây là một điều rất éo le và có phần đáng cười. Đương nhiên những cái tên này đều được biết đến tại Nhật, nhưng sự yêu thích cuồng nhiệt của người Nhật là một cái gì đó rất khác lạ, nếu ai đó đã từng chứng kiến một buổi nhạc live tại Nhật. Có sự khác nhau hoàn toàn giữa khái niệm “biết đến” và “thần tượng” trong mắt người hâm mộ Nhật Bản. Họ thật sự sống với những nghệ sĩ mà họ yêu thích, và dù thị trường CD luôn phát triển mạnh, phần lớn doanh thu của các ca sĩ, nhóm nhạc Nhật Bản đều đến từ những buổi nhạc live, dịp mà người Nhật chứng tỏ tình yêu âm nhạc của họ lớn đến như thế nào. Archie Meguro, người đã từng làm việc cho Sony Music trong quãng thời gian dài, đã chia sẻ: “Sẽ tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực để Adele có thể được yêu thích nhiều hơn tại Nhật. Không quan trọng dù cô ta có thể bán được tỷ tỷ bản đĩa album khắp thế giới, người Nhật không hề quan tâm tới những điều đó.”

maxresdefault-4

Hãy thử tưởng tượng Nhật Bản như một vương quốc đóng cửa. Và bên ngoài là rất nhiều đội quân muốn tiến vào và chiếm lấy mảnh đất màu mỡ này. Đó là internet. Đó là nghe nhạc trực tuyến. Đó là nghệ sĩ nước ngoài. Khi âm nhạc hiện đại chứng kiến sự bùng nổ của internet và những dịch vụ tiện lợi như Apple Music, Spotify, người Nhật liệu có còn muốn giữ vững đĩa CD? Khi những nghệ sĩ lớn đang theo xu hướng phát triển ở khắp mọi nơi trên thế giới, và dần phá vỡ rào cản về địa lý và ngôn ngữ trong âm nhạc, người Nhật liệu có còn muốn tin và giữ nguyên cảm nhận âm nhạc cổ điển của họ? Vẫn còn rất sớm để nói về những câu trả lời, vì người Nhật dường như vẫn trung thành với những điều họ đã yêu quý, và thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới vẫn từ chối những thay đổi mà phần còn lại đang hướng tới. Một điều chắc chắn rằng, dù theo hướng đi nào, người Nhật luôn chọn cách riêng của họ.

Nhưng lần trước khi chúng ta biết đến về tính cổ điển và kiên trì với giá trị riêng của mình, hai thành phố Nhật Bản đã bị huỷ hoại.

Nguồn:

thebalance.com

japantimes.co.jp

qz.com

Khi Có Tình Cảm Với Một Người, Tôi Yêu Thành Phố Của Mình Hơn

Dù hai người không cùng được sinh ra ở chung một nơi, không cùng lớn lên với chung một chốn, tình cảm giữa cả hai lại đôi lúc làm một bộ sưu tập những khung cảnh, một chiếc hộp của cuộc sống hằng ngày, lại trở thành một mối tình chung. Một thành phố, có thể trở nên gắn bó với cả hai.

Tôi được sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ, và với tình cảm tôi dành cho người bạn này, thành phố trở nên mới lạ, trong một vẻ to tát. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hồi hộp khi lần đầu đưa ra lời mời cô bạn cùng tôi trải qua một đêm quanh thành phố quê hương. Lời mời đó, như một cánh cửa cho người mà tôi có tình cảm bước vào thế giới của riêng tôi, và nhìn nó qua cái nhìn của chính tôi.

Và tôi yêu nơi này khi tôi và cô cùng có nhiều kỉ niệm ở đây, với những nơi chốn dù nhỏ bé, dù quen thuộc qua năm tháng giữa tôi cùng với gia đình, và bạn bè. Không cần thiết là một nơi lạ lẵm mà tôi chưa khám phá, hay một nơi mà tôi chưa bao giờ đến, đôi lúc đó chỉ là một nơi quen thuộc, và khi dành thời gian với cô, tôi lại yêu những nơi chốn đó hơn, vì tôi nhận ra một cảnh vật quen thuộc lại có thể mang đến nhiều cảm giác mới lạ. Sự khác nhau giữa gia đình, bạn bè, và người mà tôi có tình cảm, ở cùng một nơi, khiến tôi nhận ra thành phố này còn nhiều điều tôi vẫn còn chưa biết đến.

Và khi tôi đã lỡ mở cánh cửa để cô bạn bước vào thế giới này, khi cô rời đi, dấu chân vẫn còn ở đây. Những nơi chốn tôi từng đến với một bóng người thấp bên cạnh, trở nên trống vắng lạ lùng, và những kỉ niệm xưa lại trở nên chân thật đến bất ngờ, dù chỉ là đôi lần thoáng qua, vẫn để lại trong tôi một nụ cười nhung nhớ.

Một nụ cười: những ngày xưa, đẹp biết bao nhiêu.

Thành phố vẫn vậy, con người thay đổi, dấu chân vẫn như xưa. Tình yêu tôi dành cho những nơi chốn xưa vẫn như nguyên từ những ngày tôi mở cánh cửa cho cô bạn, cho đến những ngày tôi nhìn cô quay lưng rời đi và đóng lại. Tình yêu đó, thật khó để diễn tả, nó không hẳn là sự hối tiếc, không hẳn là sự vô vọng. Nó chỉ đơn giản là một cảm giác trèo lên một chỗ thật cao, nhìn thành phố nhỏ bên dưới, và cảm thấy khi không có người mình dành tình cảm, thành phố này trống trải đi nhiều.

Nó vẫn sống ngày qua ngày, nhưng không có gì để đáng nhớ.

Akira [アキラ]

Rất lạ. Không bất ngờ lắm nếu đó là nhận xét thường thấy về điện ảnh Nhật Bản. Từ năm 1988, Akira luôn là một bộ phim như vậy, rất lạ, nhưng cũng giống như chúng ta từng biết về điện ảnh Nhật Bản, phim càng lạ, càng cuốn hút.

Cho đến nay, Akira luôn chiếm một vị trí đặc biệt, khi được xem là một bước ngoặt lớn cho điện ảnh Nhật Bản, và là niềm tự hào của những người dân đất nước này. Cùng với “Spirited Away”, hai bộ phim luôn thay nhau chiếm vị trí đầu tiên và thứ hai trong số những bộ phim nổi bật nhất của điện ảnh Nhật Bản.

Và Akira cũng đơn thuần là một phim hoạt hình.

akira-neo-tokyo

Khó trách tại sao Akira lại có được rất nhiều cuốn hút xuyên suốt bộ phim mặc dù chỉ là một phim hoạt hình, khi tác phẩm này được tạo ra như một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa, với ý tưởng kết hợp độc đáo giữa truyền thống và tương lai, giữa con người và tâm linh, giữa những kiến thức đã biết, và những điều bí ẩn ở trước. Xuất phát từ suy nghĩ rằng mỗi con người đều có một sức mạnh và hiểu biết lớn và cổ xưa như chính vũ trụ đã khai sinh ra chúng ta, Akira dùng những thanh niên bình thường, những tuổi trẻ không có gì nổi bật, và đặt họ vào những câu hỏi xung quanh năng lực của bản thân. Khi những phim hoạt hình Nhật Bản lúc bấy giờ, và thậm chí là sau này đặt nhiều vấn đề về cuộc sống và giá trị nhân văn, Akira lại mang đến một cốt truyện rất lạ bên trong thể loại khoa học viễn tưởng.

Akira-1988-00-10-00

Akira cũng chứa đầy những hình ảnh rất lạ, tuy sử dụng phong cách hoạt hình cổ điển, nhưng phần hình ảnh là phần mạnh nhất của Akira, vượt trội và đáng nhớ so với hầu hết những tác phẩm khác. Nhờ vào sử dụng ánh sáng thông minh, khung cảnh Tokyo sụp đổ đầy tối tâm, và đương nhiên là những mẫu thiết kế nhân vật đáng nhớ, Akira gây bất ngờ mỗi người xem với một cảm giác rất dị và rất lạ. Tập trung nhiều vào hành động của mỗi nhân vật, Akira không thuyết phục bằng những phong cách tráng lệ thường thấy, thay vào đó là một thành phố tồi tàn đang cố gắng hồi sinh, và khi những nhân vật đối đầu với nhau, Akira chắc chắn rằng đó là một trận chiến mãn nhãn, với những phân cảnh được dàn dựng chậm nhanh đa dạng chứa rất nhiều hình ảnh sáng tạo và trên nền nhạc đầy ám ảnh.

akira3

Nhưng Akira không được làm ra bởi Satoshi Kon, và nó không dị đến mức kén người xem, nó dị một cách thoả mãn người xem. Ý tưởng kì quặc được thể hiện trên lối kể chuyện chặt chẽ, hình ảnh mới lạ được gửi vào mỗi cái hồn và mỗi cảm xúc mà ngay cả chính người xem cũng khó xác định là gì. Nhưng khi đến kết thúc, mọi thứ lại trở nên bình dị, gần gũi, và đượm đầy những nỗi buồn.

kaneda

Nhưng tại sao Akira lại là một tác phẩm vĩ đại? Tương tự như 2001: A Space Odyssey, Akira sử dụng một cái vỏ kỳ lạ, hấp dẫn đến nỗi chúng ta phải xem rất nhiều lần mới cảm nhận được hết, nhưng thực chất chỉ là nhằm hướng tới một giá trị rất thường thấy. Khi đã trải qua hết những hình ảnh kì dị, những màn đối đầu lạ lùng, người xem lại cảm nhận được một sự quen thuộc trong chính bản thân họ. Hai nhân vật chính trong phim đâu đó thể hiện chính những mặt đối lập trong mỗi con người trong xã hội thử thách: tìm được và không tìm được năng lực của mình. Kaneda là một con người bình thường, một thanh niên côn đồ nhưng tốt bụng, đơn giản là thích vui chơi, chọc gái, và đua xe. Tetsuo, đại diện cho một con người khám phá được sức mạnh to lớn của bản thân nhưng đáng tiếc lại để sức mạnh đó kiểm soát lại chính cậu. Và khi hai con người này đối đầu nhau, mỗi chúng ta lại cảm giác được những thời điểm hai bản ngã này đối đầu trong chính bản thân, khi mỗi người phải chọn giữa cái tôi đầy sức mạnh và khát vọng sống bình dị.

tetsuo-noscale

Vậy ai là người mạnh hơn? Con người bình thường, hạnh phúc với mỗi ngày yên bình và vui vẻ với mọi người xung quanh; hay con người có năng lực to lớn nhưng thô sơ, không rèn giũa và không kiểm soát được?

Kể từ năm 1988, Akira vẫn luôn ám ảnh thế giới với câu hỏi đó.

Ngày 8.3 Dành Cho Mẹ Lam

Con Ước Được Gặp Cô Thật Sớm

Thưa cô, chắc cô không quan tâm tới con, chắc cô không theo dõi con ra sao, nhưng con may mắn biết tới cô, một người mẹ, người thầy mà không những con, mà rất nhiều kính trọng. Đầu tiên con muốn chúc cô một ngày 8.3 thật nhiều sức khoẻ, may mắn, thật nhiều hạnh phúc, và luôn là hình mẫu người phụ nữ mà bất cứ ai cũng mong muốn trở thành. Con đã từng nghĩ đến cô vào ngày 20.11, ngày 20.10, và con luôn mong muốn dành cho cô những lời chúc tốt đẹp nhất, một cách khiêm nhường và kính trọng nhất con có thể. Nhưng lần này, con xin được than thở, được tâm sự, được như một học sinh nhõng nhẽo tìm kiếm một lời khuyên từ người cô tràn đầy sự yêu thương cho thế hệ trẻ.

Con quý mến cô, phần nhiều là vì cô là giáo viên dạy Văn, và văn chương luôn là một phần lớn cuộc đời con. Con yêu nó từ khi con còn rất nhỏ, và sau này khi con đã tay yếu không thể viết được nữa, hay mắt con đã tệ không nhìn rõ chữ nữa, con vẫn sẽ yêu nó. Con nghĩ hơn ai hết, cô sẽ hiểu những gì con nhớ, rằng văn chương không đơn giản là văn chương. Những câu từ, những nhân vật, những thắt nút và mở nút, mang nhiều hơn ý nghĩa ở trên mặt giấy. Con luôn tôn trọng giá trị tâm hồn của văn chương. Nhưng con nghĩ, con yêu văn chương là vì văn chương là biểu tượng của sự cổ điển, của những giá trị đầu tiên mà loài người biết đến, trân trọng để mang họ với thế giới xung quanh. Và con là một người đang dần chìm sâu vào quá khứ.

Con buồn khi thế giới thay đổi quá nhanh thưa cô. Văn học không còn mang những giá trị lúc trước, và con ước được gặp cô sớm, vì cô sẽ chỉ cho con con đường đúng mà con cần đi, vì cô luôn là một người giáo viên đúng đắn, và kỷ luật. Con ước được gặp cô sớm, vì cô sẽ nói với con rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, vì cô là người phụ nữ thấu hiểu và đầy lòng thương. Đáng tiếc, chắc còn lâu nữa con mới có cơ hội may mắn nhận được những lời khuyên từ cô thưa cô.

Con tự thấy xấu hổ vì những gì con học được đang chìm sâu vào quá khứ, cái quá khứ mà mọi người đang dần bỏ khỏi suy nghĩ, và dần bước ra khỏi bằng đôi bàn chân của họ. Từ ngữ được thay thế bằng hình ảnh, điều đó làm con rất buồn. Vì con luôn tin từ ngữ là sự thật, một sự thật đơn giản đến lạ lùng. Nhưng thế giới đang dùng hình ảnh để nói lên sự thật. Họ nghĩ rằng một hình ảnh mô tả lại cuộc sống, một con người sẽ mang tính chân thật hơn hết, nhưng con người đang lợi dụng nó và sử dụng nó một cách xấu xí. Hình ảnh không còn mang được sự thật như từ ngữ, khi rất nhiều người đang lợi dụng nó cô à, lợi dụng nó để được nổi tiếng, để đè bẹp người khác, để nới rộng thêm khoảng cách giữa người với người. Những từ ngữ nhẹ nhàng dần bị thay thế bằng những hình ảnh nặng nề, phức tạp, và được dùng vì mục đích xấu.

Thưa cô, con không biết phải làm gì nữa. Khi thế giới thay đổi quá nhanh và bản ngã của con vẫn đứng yên tại chỗ, sức mạnh của con cảm thấy yếu đuối. Con cảm thấy bất lực, như người đánh cá bị chê cá tanh hôi, như người nông dân bị chê quê mùa, và như người phụ nữ bị đối xử bất công. Cô là người duy nhất có thể hiểu được con lúc này, vì cô là con người của văn chương, va cũng là người phụ nữ bị đối xử bất công. Con ước gì rồi mọi chuyện sẽ thay đổi, nhưng con sợ rồi từng ngày, từng ngày trôi qua, và mọi người nói với con rằng:

“Từ ngữ? Nó đã là một thứ của quá khứ rồi.”

Ngày 8.3, con mong trong tương lai, giá trị của cô sẽ vẫn còn mãi, cũng giống như giá trị của văn chương vẫn sẽ còn mãi, vì cô luôn, và sẽ luôn, nhắc nhớ con về niềm yêu mến văn chương trong cuộc đời con.