Sony WH-1000XM3 Review

“Lí do iPod thành công là vì một công ty điện tử tiêu dùng Nhật Bản phát minh và sở hữu thị trường nghe nhạc cầm tay nhưng lại không thể tạo ra phần cứng nghe nhạc tốt.”

Khi Steve Jobs nói về iPod, nhiều người nghĩ rằng ông ám chỉ Sony. Sony sở hữu thị trường âm nhạc Nhật Bản từ rất lâu đời, và cho tới thời điểm sau này Sony Music sở hữu hơn 1/3 thị phần âm nhạc trên toàn thế giới. Họ tạo ra những chiếc tai nghe nhạc đầu tiên với dòng DR, và sau đó những chiếc máy nghe nhạc Walkman xuất hiện đi kèm dòng MDR trở thành hiện tượng nghe nhạc cầm tay.

iPod thay đổi những chiếc máy nghe nhạc Walkman bằng thiết kế hấp dẫn hơn, khả năng lưu trữ nhiều bài hát hơn.

IMG_4096

Nhưng đó là rất nhiều năm về trước, hiện nay smartphone trong tay mọi người là những thế hệ mới của iPod.

Và vì vậy phần cứng trong lĩnh vực âm nhạc không còn là máy nghe nhạc, mà là những chiếc tai nghe.

Sony WH-1000X M3 được đánh giá là vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại từ Bose hay Beats hay bất cứ thương hiệu nào khác.

Thiết kế:

Lấy cảm hứng từ dòng MDR cao cấp, thiết kế của M3 không bắt mắt, không khoa trương và không nặng nề. Với những ai thích mẫu tai nghe cá tính hơn, nhiều màu sắc hơn (M3 chỉ có hai màu đen và bạc), các bạn nên chọn dòng h.ear on. M3 không khác nhiều so với M2 và cả M1, nhưng được cải tiến nhiều ở sự thoải mái khi đeo, với phần headband rất mỏng, nhẹ và hai phần cúp tai được làm với chất liệu êm hơn, giúp bám tai và đầu tốt hơn, đồng thời rất thoải mái khi đeo trong thời gian dài. Không bắt mắt người dùng, nhưng diện mạo của M3 lại cao cấp hơn những dòng tai nghe khác khi rất thoải mái vì chất liệu êm tai, vẻ đẹp đơn giản và gọn gàng, cũng như phần đệm tai không làm đau mỗi khi nghe nhạc xong như nhiều dòng tai nghe khác. Nhưng phần cúp tai của M3 vẫn làm tai bị nóng và nếu bạn nào đổ mồ hôi nhiều thì sẽ cảm giác khó chịu nếu nghe nhạc lâu.

IMG_4108

Vậy nếu dùng M3 để tập thể dục? Về mặt này Sony vẫn khá bảo thủ, thiết kế của M3 vẫn ép buộc người nghe ngồi một chỗ, thậm chí trong trường hợp của cá nhân tôi khi đi bộ, sẽ có những lúc tai vô tình chạm vào phần bên trong cúp tai và âm thanh bị chói.

Ngoại trừ những nhược điểm trên, M3 làm tôi rất hài lòng về độ thoải mái và thiết kế nhẹ nhàng, tinh tế, và đơn giản. Độ tiện dụng của M3 còn được tăng lên cao khi Sony tạo điều kiện cho tai nghe phù hợp với mọi người bằng chức năng tinh chỉnh âm thanh phù hợp với thiết kế đầu, tóc, đeo kính,… trong phần app Sony Headphones Connect mà các bạn có thể tải về trên điện thoại.

Chống ồn:

Trước đây tai nghe chống ồn (noise-canceling) chỉ dành cho một bộ phận những người thường xuyên đi máy bay và làm việc trong môi trường ồn. Giờ đây càng có nhiều người nghe nhạc tại những địa điểm công cộng như nhà hàng, quán nước, công viên,… và loại tai nghe này ngày càng phổ biến.

  • M3 loại trừ tiếng ồn của môi trường rất tốt, những tiếng xe lớn chạy ngang, tiếng ồn của động cơ gần như bị loại bỏ hoàn toàn khi bạn bật tính năng chống ồn.
  • Đối với tiếng gió, M3 làm rất tốt vì thiết kế phần mic trên tai nghe được lõm vào trong, nên không có hiện tượng người nghe tiếng rít của gió lọt vào tai nghe.
  • Tiếng nói chuyện là loại âm thanh khó nhất, M3 không loại bỏ hoàn toàn tiếng nói chuyện xung quanh bạn mà chỉ giảm độ ồn xuống, nhưng khi bạn bật nhạc lên, tiếng nói chuyện cũng bị loại bỏ hoàn toàn.

IMG_4107

M3 có khả năng tự động chỉnh chống ồn dựa vào hoạt động của bạn. Ví dụ như khi bạn đang đi bộ, M3 sẽ chỉnh cho một phần âm thanh như tiếng xe đến gần, tiếng còi xe,…lọt vào tai nghe để bạn vẫn nghe được dù đang nghe nhạc. Tôi không thích phần này lắm vì đôi lúc Sony hiểu sai hoạt động của tôi và chỉnh không tốt. Nhưng bạn vẫn có thể chỉnh thủ công thông qua app, tùy vào bạn muốn nghe được bao nhiêu âm thanh bên ngoài. Một điều tôi chú ý là dù tôi chỉnh bằng cách nào, thì phần âm thanh tôi nghe được vẫn không có mức âm lượng như ngoài thực tế, mà vẫn rất nhỏ và không làm ồn tôi. Bên cạnh đó, nếu bạn đang nghe nhạc và nghe một ai đó hoặc một âm thanh nào đó như tiếng thông báo, bạn có thể áp bàn tay lên cúp tai bên phải và tai nghe sẽ tạm thời cho nhạc nhỏ lại và để âm thanh bên ngoài lọt vào. Cúp tai bên phải cũng khá tiện lợi khi tôi có thể chạm và vuốt bên ngoài cúp tai để tăng giảm âm lượng, play/pause nhạc hoặc chuyển bài, tuy nhiên tính năng này chỉ hoạt động ở chế độ không dây qua Bluetooth.

Âm Thanh:

M3 rơi vào phân khúc nghe nhạc ngay bên dưới phân khúc chuyên nghiệp.

Đối với người nghe thông thường chứ không phải audiophile, âm thanh M3 cũng xứng đáng được đánh giá là tuyệt vời tương đương với giá tiền của nó.

Nhưng việc xác định âm thanh của M3 có hay hay không tùy thuộc vào sở thích và mục đích của mỗi người. Nếu bạn là người thích cách âm thanh được tạo ra một cách hoàn mỹ, chiếc tai nghe cho bạn cảm giác rằng nghe bài nào cũng hay, bạn sẽ thấy M3 rất bình thường. Nếu bạn là người thích cách âm thanh được tái tạo trung thực nhất, nghệ sĩ làm thế nào bạn nghe được y chang vậy, bạn sẽ thấy M3 rất vượt trội.

IMG_4104

  • Bass:

Với mức tần suất âm thanh thấp nhất có thể tái tạo là 4Hz (20Hz nếu nghe qua Bluetooth), M3 có thể tái tạo lại tất cả những dải bass. Âm bass của M3 trầm, chắc, và rất rõ chứ không có hiện tượng ù. Để đánh giá âm bass, tôi nghe thử “Around The World” của Daft Punk và “I Know There’s Gonna Be” của Jamie XX, hai bài hát có rất nhiều âm bass với độ trầm khác nhau. M3 làm rất tốt trong việc thể hiện đúng đặc trưng về độ trầm, mạnh, và vang âm bass của trống và âm bass của keyboard. Bạn sẽ cảm nhận những đoạn bass được trải dài ra rất hiệu quả, chứ không chỉ là những cú đấm nhanh vào tai. Bass của M3 được đánh giá là vượt trội hơn cả Beats, dòng tai nghe được đánh giá rất tốt về phần bass.

Với những bài hát sử dụng tiếng bass bằng guitar chứ không phải âm điện tử, trong trường hợp của tôi thử là “Some Unholy War” của Amy Winehouse, M3 cũng tạo ra hiệu ứng rất phù hợp. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ những bài hát thể loại Soul, Acoustic, sử dụng âm bass chậm và nhẹ nghe rất hay với M3 do cách thể hiện của M3 để lại độ trầm rất sâu trong tai người nghe, mà vô cùng dễ chịu chứ không có cảm giác nhức tai.

IMG_4105

  • Mid:

Phần âm thanh quan trọng nhất của âm nhạc cũng được M3 phục vụ chu đáo. Đối với phần nhạc cụ, tôi rất thích cách M3 thể hiện tiếng trống. Âm thanh mỗi loại trống và gõ được thể hiện cực kỳ trọn vẹn và rõ ràng. Với những đoạn tiếng trống và gõ dồn dập liên tục và nhanh, bạn vẫn cảm nhận rõ âm thanh nào là của nhạc cụ nào, và vì vậy bài hát trở nên sống động và đa dạng một cách rất trung thực. Những nhạc cụ khác như guitar, piano, kèn,…đều được thể hiện chính xác về tông và độ vang. Nhưng quả thực tôi vẫn rất bất ngờ với cách M3 thể hiện tiếng trống, nó hoàn hảo hơn bất cứ tai nghe nào tôi từng thử.

Tới thời điểm lựa chọn bài hát để kiểm tra chất lượng thanh nhạc, tôi quyết định sẽ rất phí nếu dùng M3 nghe những bài hát auto-tune. Và tôi bật ngay một trong những giọng hát tự nhiên và kỹ thuật nhất mà mọi người yêu thích-Adele. Bài hát tôi chọn là “When We Were Young” và thật sự rất hài lòng. M3 thể hiện chất giọng của ca sĩ tốt đến nỗi tôi có thể nhận ra cách Adele từ từ lên cao ở chữ “home” trong câu “ ‘Cause you feel like home”. Từng nhịp lấy hơi, từng điệu luyến, từng khoảng ngân đều rất rõ ràng trong phần trung âm của M3, phần chiếm hầu hết những gì hay nhất của một bài hát. Cũng cần lưu ý thêm là về độ rộng của âm mid, M3 không quá chú trọng về việc thể hiện cảm giác bạn đang nghe âm thanh theo kiểu sân khấu. Những bạn nào thích nhạc EDM, House, Electronic muốn có được cảm giác như đang nghe live sẽ không có cảm giác trung thực. Tuy nhiên với những bài hát nhạc Soul, Ballad, tôi cảm nhận được rất phù hợp với M3 và cảm giác cứ như đang ngồi cùng ca sĩ trong studio hoặc phòng trà. Bạn cũng có thể mở rộng độ rộng của âm thanh qua app Sony Headphones Connect cũng như chỉnh hướng mà âm thanh đang phát ra.

IMG_4103

  • Treble:

Đương nhiên M3 cũng có hạn chế về âm thanh và nó nằm ở âm treble. Với những chất giọng lên cao tuyệt vời như Adele, bạn sẽ không nhận ra hạn chế về âm treble của M3. Nhưng trong trường hợp “How Will I Know” của Whitney Houston, có thể thấy rõ M3 không thể tái hiện tốt những nốt cao nhất của chất giọng lên cao bằng nội lức chứ không phải bằng nốt. Nói một cách dễ hiểu, phần âm Treble của M3 không cho bạn cảm giác nổi da gà trong những nốt cao, nó không tới, và cũng không tách biệt so với trung âm. Nói một cách công bằng, âm treble của M3 vẫn trên mức trung bình, bạn vẫn nghe hay những bài Rock với tiếng guitar và tiếng hát chính cao, nhưng rất tiếc phần âm này không trung thực được như bass và mid. Tôi nghe thử “Too Good Too Bad” của Seatbelts, một bài nhạc không lời đơn giản chỉ có âm nhạc cụ để đánh giá chính xác âm Treble, M3 vẫn thể hiện âm thanh của kèn Trombone rất tốt, nhưng không đến mức sexy như âm thanh mà Trombone luôn đạt được ngoài thực tế.

IMG_4109

Không Dây Và Có Dây:

Chất lượng của tai nghe vẫn xoay quanh tranh cãi có dây hay không dây rất nhiều. Nhiều người nghĩ rằng có dây vẫn cho ra âm thanh tốt hơn, nhưng không dây rất tiện lời và chất lượng âm thanh cũng không còn kém xa so với có dây. M3 cho phép bạn thử cả hai cách khi đi kèm dây nghe, và tôi đã thử, và có dây vẫn thắng. Đầu tiên là với không dây, do Sony trang bị cho M3 đầy đủ công nghệ âm thanh tốt nhất hiện nay như AAC, aptX, aptX HD, LDAC (ngoại trừ AAC, những chuẩn còn lại chỉ sử dụng được trên điện thoại Android và Walkman) nên việc kết nối qua Bluetooth và có được chất lượng âm thanh cực tốt hoàn toàn là có thể. Bên cạnh đó, Sony còn sử dụng công nghệ DSEE HX để có thể khiến những file nhạc thông thường trở nên hay hơn.

IMG_4106

Nếu chỉ đơn giản nghe nhạc thông qua trình nghe nhạc có sẵn trên điện thoại, tôi không nhận thấy rõ sự khác biệt lớn giữa không dây và có dây, kết nối Bluetooth luôn ổn định khi nghe nhạc lâu, và âm thanh cũng chất lượng xuyên suốt. Nhưng khi tôi cắm tai nghe vào máy tính và tải file nhạc chất lượng lossless (trường hợp của tôi là file .flac), tôi có thể nhận thấy sự cải tiến rất nhiều về âm thanh nếu so với nghe nhạc không dây và file nhạc thường. Tôi nghe thử “California (There Is No End to Love)” của U2 và nhận thấy tuy phần nhạc cụ không quá khác biệt, nhưng giọng hát của Bono nghe bốc hơn rất nhiều. Và do là thể loại rock nên tôi cũng cảm nhận được nếu nghe qua dây nghe và file nhạc lossless thì khuyết điểm âm treble của M3 được khắc phục phần nào. Sony vốn có rất nhiều kinh nghiệm và hơn 5 dòng tai nghe khác nhau phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc hi-res với file lossless, nên điều này cũng rất dễ hiểu với chất lượng mà M3 có được.

IMG_4100

Cuối bài:

Những ai là fan cứng của tai nghe Sony nhận xét rằng họ rất bất ngờ khi chỉ trong một năm mà Sony có thể cải tiến một cách trọn vẹn M3 so với thế hệ M2.

Cá nhân tôi nghĩ rằng dù M3 có là phiên bản riêng biệt hay nâng cấp cũng rất đáng mua.

Dù mức giá khá cao so với trung bình, nhưng M3 có chất lượng rất đáng tiền. Thiết kế thoải mái, chắc chắn, tiện ích, đi kèm với app cho phép người dùng thoải mái tinh chỉnh theo sở thích, và quan trọng là khả năng chống ồn thuộc hàng tốt nhất. Phần âm thanh tôi không dám khẳng định là hay nhất với tất cả mọi người, nhưng âm thanh của M3 trung thực, trong, chắc chắn, và rõ ràng là điều không nhiều tai nghe làm được lúc này.

Người Nhật luôn trân trọng cách làm cũ và quen thuộc. Sony đã từng bị đánh bại trong thị trường nghe nhạc cầm tay, nhưng họ vẫn gắn bó với sản phẩm tai nghe lâu đời của hãng, với cách làm cũ, tiêu chí cũ, và đâu đó là cảm nhận cũ. Nếu mỗi năm Sony cứ tiếp tục cho ra đời một sản phẩm như thế này, tôi nghĩ người Nhật vẫn sẽ còn đi đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng một thời gian rất lâu nữa.

Star Wars: The Last Jedi Review

Một phần mới, với nhiều sự chuyển mình mới.

Đó không phải là điều mà tôi và chắc hẳn cũng nhiều người may mắn được xem Star Wars: The Last Jedi vào ngày hôm qua mong đợi. Tôi không mong đợi mỗi phần mới của Star Wars là một điều mới mẻ, vì đôi lúc điều đó là điều không cần thiết, và tôi cũng không mong đợi mỗi một phim mới của series Star Wars có thể mang lại một sự chuyển mình cho tất cả những phim còn lại.

Star Wars: The Last Jedi mang đến khá nhiều thứ mà cả những phần phim hay nhất trong quá khứ của Star Wars không có được, một phần nào đó nhờ vào Disney đã cho phép các nhà làm phim của họ tự do khám phá những điều mới dù đó có là phần thứ mấy của series. Họ đã làm rất tốt điều đó từ Iron Man 3 của Marvel, và giờ đây là Star Wars.

Nhưng The Last Jedi có sự diệu kỳ trong kết nối giữa các nhân vật.

Tôi đã nghĩ đây sẽ là phần đi theo phong cách của Star Wars: The Empire Strikes Back của năm 1980. Phần thứ 2 trong bộ ba phim gốc chứa đựng sự thay đổi về phong cách, về câu chuyện, và luôn được xem như một trong những bộ phim hay nhất. The Last Jedi cũng chứng kiến sự thay đổi về phong cách, nhưng thay vì đen tối thêm như The Empire Strikes Back, năm 2018 của Star Wars mang một phong cách diệu kỳ dựa trên nền khoa học viễn tưởng. Đạo diễn Rian Johnson đã mang khá nhiều điểm tương đồng từ Looper lồng vào The Last Jedi, một quyết định rất mạo hiểm khi ai cũng mong muốn được thấy giá trị phiêu lưu hơn là diệu kỳ trong Star Wars, thậm chí chẳng ai nghĩ sẽ được thấy một The Lord of Rings trong vóc dáng Star Wars. Nhưng The Last Jedi có sự diệu kỳ trong kết nối giữa các nhân vật, điển hình là Rey và Kylo, một trong những điểm kỳ lạ và khó hiểu nhất mà một phim Star Wars từng thấy. The Last Jedi có sự diệu kỳ trong khía cạnh tôn giáo về Thần Lực. Và còn rất nhiều thứ lạ nữa mà The Last Jedi mang đến trong hai chữ “diệu kỳ.”

Screen-Shot-2017-04-14-at-10.27.32-AM-e1492186733459

Nhưng dù sao đây vẫn là một phim Star Wars, về những chuyến phiêu lưu, về những mâu thuẫn giữa các nhân vật. Thay vì phát triển những nhân vật phụ xoay quanh nhân vật chính như cách The Empire Strikes Back đã làm bất ngờ trong quá khứ, The Last Jedi có một sự phát triển mạnh về những nhân vật chính, điển hình là bộ ba Rey, Finn, và Poe. Ba nhân vật được bước vào những vùng đất rất mới trong tính cách, có những quyết định mà bản thân phải bắt gặp một cách lạ lẫm, và cả những thử thách về lòng tin của chính mình. Đặc biệt là Rey, sau The Force Awakens khá thất vọng về giá trị và chỗ đứng của cô trong toàn series, đến nay Rey đã là một nhân vật không những thú vị, mà còn mang chỗ đứng quan trọng thậm chí cho tương lai của loạt phim. Tương tự như khi Luke gặp Master Yoda trong The Empire Strikes Back, Rey cũng đã phát hiện nhiều điều khi cô gặp Luke, bên cạnh đó còn là mối quan hệ kỳ lạ với Kylo.

Pha highlight của Holdo đã làm cả rạp mà tôi xem chỉ còn há hốc mồm vì độ “thốn” của nó.

Những nhân vật phụ cũng có những pha highlight đáng nhớ cho mỗi người, dù đó là thế hệ Star Wars cũ như Luke, Leia (tôi vẫn thấy hơi “phê phê” sau cảnh của Leia), hay những gương mặt mới như Rose, Holdo và thậm chí vai diễn nhỏ của Ngô Thanh Vân trong cảnh mở đầu của phim. Và tôi nghĩ nhân vật là điểm quan trọng và tốt nhất mà The Last Jedi có được để trở thành một phim thật sự khác biệt và thành công. Vì pha highlight của Rose sẽ có nhiều tác động tới Finn trong câu chuyện của phần cuối cùng, pha highlight của Holdo đã làm cả rạp mà tôi xem chỉ còn há hốc mồm vì độ “thốn” của nó, và đương nhiên nếu không nhờ pha highlight đầu phim của Ngô Thanh Vân, phim sẽ không thể kéo dài đến gần 3 tiếng đồng hồ.

fullsizeoutput_12b8

Nhân vật chắc chắn là yếu tố khiến những ai chưa từng xem series Star Wars trước đây có thể thưởng thức trọn vẹn phần phim này, vì mỗi nhân vật đều có một điều gì đó mới mẻ, những câu chuyện mới để kể, và cả những ý tưởng mới để làm, thay vì phụ thuộc nhiều vào nội dung của những phần phim cũ. Rian thật sự rất sáng tạo trong những ý tưởng mới cho The Last Jedi nhằm mang đến không chỉ một Star Wars hay, mà là một phim điện ảnh hay và đủ khác lạ. Sẽ không chỉ có một, hay hai twists trong phim, mà là rất nhiều. Sẽ không chỉ có một Luke quen thuộc, hiền lành, tốt bụng như mọi người từng nghĩ, mà là một Luke phức tạp hơn, khiến người xem tò mò hơn, và cũng rất đặc biệt hơn. Sẽ không chỉ có một Thần Lực đơn giản là cần được giữ cân bằng, mà là một Thần Lực sẽ làm cân bằng tất cả. Giữa thực tế và sự mù quáng, giữa thể chất và tinh thần, giữa thiên tài và sự phấn đấu. Vì những ý tưởng khác lạ này, mà The Last Jedi mang đến những cảm xúc rất mới, rất lạ, và đáng nhớ. Đây chắc chắn là phần phim mang đậm giá trị cảm xúc nhất cho đến nay của Star Wars. Nhưng không đến nỗi người xem sẽ khóc, mà chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để mọi người cảm thấy đây không chỉ là một phim giải trí. Dù The Last Jedi cũng chắc chắn là phần phim hài hước nhất của Star Wars. Những cảm xúc giờ đây không chỉ dừng lại ở giá trị những người thân trong gia đình, mà còn ở cả những người chúng ta hận thù. Những cảm xúc không chỉ nằm ở điều mà nhân vật tin là gì, mà còn là thời điểm và chỗ đặt niềm tin đó như thế nào. Star Wars luôn đặt nặng giá trị nhân văn về câu hỏi con đường nào mỗi người nên chọn, nhưng The Last Jedi mang đến câu hỏi quan trọng hơn về giá trị đó: con đường đó liệu là đủ.

resistance-ski-speeder-b_25397de2

Góc quay nghiêng và chéo đã làm nên một trong những cảnh phim ấn tượng nhất cho cả phim

Mặt hình ảnh của Rian Johnson trong phim cũng mang hơi thở mới, nghiêng về tông màu đen/đỏ và nghiêng về hiệu ứng ngắn và giản lược rất nhiều. Với cốt truyện giờ đã chỉ còn mang nặng tính khám phá hơn là bùng nổ, The Last Jedi không mang nhiều lắm sự hoành tráng trong đa số những cảnh chạm trán giữa hai phe. Nhưng khi một cảnh ồn ào diễn ra, Rian chắc chắn sẽ không làm mọi người  thất vọng. Từ cảnh mở đầu dài hơn 10 phút cực kỳ đã mắt và thoả mãn về mặt đúng nghĩa của dòng phim khoa học viễn tưởng (với kết thúc hoành tráng của Ngô Thanh Vân), cho đến pha solo đậm chất “Liên Minh Huyền Thoại” cuối phim, The Last Jedi đã làm cả rạp phải vỗ tay và khen ngợi vì cái đẹp và thông minh của những giây phút vào sinh ra tử. Khác với The Avengers thường mang đến hiệu ứng ấn tượng về cảm giác, The Last Jedi mang đến hiệu ứng bất ngờ như khi người xem chứng kiến một màn ảo thuật. Rian Johnson mang đến nhiều góc quay chéo và nghiêng thay vì bao quát như thường thấy trong các phim khoa học viễn tưởng, điều này thật sự thú vị, nhưng trong nhiều cảnh lại làm The Last Jedi trở thành một phim tâm lý hơn là một phim Star Wars. Trừ cảnh một-mình-chị-chấp-hết của Holdo. Đó là cảnh đẹp nhất trong tất cả các khung cảnh vũ trụ của The Last Jedi, và dù nó rất thốn đến nỗi cả rạp đều la “ouch” một lượt, góc quay nghiêng và chéo đã làm nên một trong những cảnh phim ấn tượng nhất cho cả phim. Trong khi các phim khoa học viễn tưởng sử dụng cắt cảnh dạng wipe nhiều, The Last Jedi có số lượng chuyển cảnh dạng cut rất nhiều, nhưng người xem sẽ không phải nhức đầu khi nhảy qua lại giữa các cảnh nhiều và liên tục, Rian chọn thời điểm cut rất hay, không chỉ hợp lý, mà là rất hay. Trong những lần Rey và Kylo kết nối, cut là một yếu tố tuyệt vời để người xem cuốn vào màn chiến đấu tinh thần giữa hai nhân vật. Và cut cũng đã tạo nên pha Solo mà có lẽ sẽ không bao giờ người xem quên được ở cuối phim.

rs_1024x429-170414091818-1024.star-wars-the-last-jedi-1.41417

The Last Jedi hay hơn đa số những phim Star Wars trong series, với rất nhiều điều mới mẻ mà người xem sẽ phải khám phá, như cách mà các nhân vật dành nhiều thời gian để làm trong câu chuyện này, với nhiều câu hỏi lớn về Luke, Kylo Ren, và đương nhiên, về Jedi cuối cùng. The Last Jedi là phim duy nhất có thể so sánh với The Empire Strikes Back, về cả sự sáng tạo trong cốt truyện, nhân vật, hay những khoảnh khắc twist đậm chất “I am your father.” Dù khá khác so với hình ảnh Star Wars trong tâm trí nhiều người, nhưng The Last Jedi mang đến sự hiệu quả khi kết hợp những nét đẹp của sự quen thuộc mà mọi người đã bắt gặp từ những ngày đầu tiên của Star Wars, với những nhân vật mới, ý tưởng và phong cách hình ảnh mới mà giờ đây chắc chắn đã đủ sức thuyết phục sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều người đến rạp phim trong tương lai. Dù là một tác phẩm lớn, nhưng đa số nhiều khán giả Việt ngại đến rạp vì không thật sự quen với Star Wars thì sẽ không thể thấy được hết cái hay. The Last Jedi hoàn toàn giải quyết được vấn đề đó. Bỏ lỡ nó, sẽ là một tiếc nuối rất lớn.