DANNY BOYLE’S TRANCE: XOẮN NÃO

Ảnh

Đừng bất ngờ vì cái tựa đề, thứ nhất, ‘trance’ trong tiếng Anh có thể dịch chính xác là trạng thái khi bạn đang bị hôn mê, thất thần, bị thôi miên, mất tự chủ, mất trí nhớ,…gọi chung là não bạn không còn bình thường- xoắn não. Thứ hai, đúng như cái tên, bộ phim cũng đã khiến người xem giải trí và cả những người xem thông minh phải xoắn não luôn, vì một lí do duy nhất-nó được thực hiện bởi Danny Boyle.

Cá nhân tôi rất thích Danny Boyle, ông là một số ít các đạo diễn có khả năng chuyển thể tốt các câu chuyện, các chuyến phiêu lưu thành một tác phẩm điện ảnh có giá trị cao. Triệu Phú Khu Ổ Chuột, 127 Giờ, 28 Ngày Sau là những tác phẩm hay nhất của ông và mang một phong cách đặc thù- xoắn não. Nếu bạn thắc mắc tại sao vị đạo diễn này lại có vinh dự thực hiện lễ khai mạc Olympic London 2012 thì tôi xin trả lời, những cốt truyện và phong cách mà ông mang đến trong những tác phẩm luôn có chất đặc thù riêng và gần như đạt được trình độ vượt bậc. Tuy nhiên, trình độ cao không có nghĩa là hoàn hảo. Với Trance-tác phẩm mới nhất của ông, điều này thể hiện rất rõ.

Ảnh

Cốt truyện

Bài review Frozen trước tôi đã nhờ một người anh nhận xét, đánh giá và anh ta hoàn toàn không đồng ý với ý tưởng viết về cốt truyện trong một bài review. Thú thật tôi cũng thấy việc viết cốt truyện rất khó và tốn thời gian. Nhưng với Trance, nếu không biết đôi nét về cốt truyện thì đọc đến các phần sau bạn cũng sẽ chẳng hiểu gì hết đâu. Lần đầu tiên khi tôi biết tin phim mới nhất của Danny sẽ là một phim thể loại gây cấn, hình sự, tôi đã khá bất ngờ. Bởi lẽ sau 2 bộ phim thể loại tâm lý, chính kịch là Triệu Phú Khu Ổ Chuột và 127 Giờ, tôi gần như tưởng Danny đã gán với cái mác Tâm Lý. Nhưng dù gì thì việc đến với một thể loại mới cũng là rất tuyệt, tôi đã hi vọng rất nhiều khi xem phim, hi vọng rằng Danny sẽ tiếp tục mang đến một cốt truyện xoắn não và một phong cách khác người. Trance có cách dẫn dắt cốt truyện rất hay. Xuyên suốt những phút đầu của bộ phim, bạn sẽ nghĩ rằng dường như bộ phim chả liên quan gì đến lĩnh vực khôi phục trí não con người khi cốt truyện chủ yếu là lời tự thuật của Simon-một nhân viên của bảo tàng tranh về công việc bảo vệ các bức tranh quý giá trước các vụ cướp. Anh kể về các qui tắc khi bảo vệ tranh, các tình huống có thể xảy ra và cách hành động. Và rồi một vụ cướp xảy ra, bạn nghĩ rằng câu chuyện sẽ xoay quanh quá trình đi tìm kẻ chủ mưu và lấy lại bức tranh thì rất bất ngờ: DANNY BOYLE SẼ CHO BẠN BIẾT CHÍNH XÁC HUNG THỦ LÀ AI VÀ ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI BỨC TRANH. Vậy còn hơn 1 tiếng đồng hồ sau, cốt truyện là gì? Cái này, xin giữ lại cho bạn tự khám phá. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho bạn biết cốt truyện sẽ tràn ngập những bất ngờ, ngay từ những phút đầu tiên, Danny đã mang đến một nút thắt và tự tháo thắt cho người xem, có lẽ là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cốt truyện như vậy. Nếu so với các bộ phim trước, Trance đã đạt đến đỉnh của một cốt truyện gọi là giật gân-bất ngờ của thể loại gây cấn hình sự. Tôi dám chắc với bạn rằng, nếu bạn là một học sinh lớp khối D hoặc đang đam mê những thể loại truyện giật gân với đầy ắp các tình tiết không lường trước, bạn sẽ thấy hài lòng với cốt truyện này, thậm chí là hơi choáng ngợp.

Ảnh

Phong cách phim

Có lẽ đây sẽ là phần mà tôi nói đến nhiều nhất về bộ phim này. Nếu xem các bộ phim trước của Danny, chắc bạn cũng đã hiểu cách ông sáng tạo với đoạn mở đầu của phim hay như thế nào. Cách chia các khung hình thành đường dọc trong 127 Hours, hay mang khung câu hỏi-trả lời từ chương trình Ai là triệu phú vào Triệu Phú Khu Ổ Chuột, tất cả đều rất sáng tạo. Với Trance, ông đã đẩy lùi cái cách mở đầu như vậy ra sau một chút khi phim được bắt đầu một cách thẳng ruột ngựa với những câu thoại thể hiện rõ sự bất lực của Simon ‘Cần cơ bắp và sự dũng cảm’ hay ‘Đừng làm anh hùng. Không thể nào một mảnh của bức tranh lại đáng giá bằng mạng sống một con người’. Sau đó, đến cú phốt thắt nút-mở nút ngay từ đầu mà tôi vừa nói ở trên, Danny lại mang phong cách mở đầu ấn tượng trở lại, khiến bạn vừa bất ngờ với cú phốt, vừa cảm thấy đã với cách mở đầu nghệ thuật. Danny thuyết phục người xem ngay từ những giây phút đầu tiên, khẳng định rằng Trance sẽ tràn đầy những nét nghệ thuật. Một phong cách nữa trong phim đã được Danny thực hiện là cách ông kết hợp góc quay, âm nhạc và diễn xuất các diễn viên để tạo nên những diễn biến gây cấn, rất rất gây cấn. Cách thể hiện 2 sự việc diễn ra song song, góc quay cận mặt, âm nhạc được chen vào đúng lúc, và đặc biệt là liên tục thay đổi hình ảnh trong phim sẽ gây kích động thật sự. Có những cảnh phim bạn sẽ cảm thấy áp lực nặng nề khi nó quá dồn dập, căng thẳng. Như cảnh vụ cướp lúc đầu hay cảnh Simon nhớ lại và nói câu thoại ‘Cô ấy bắt tôi phải quên’. Nhưng chỉ có 2 cảnh tôi đánh giá cao nhất về mặt kết hợp các yếu tố một cách hoàn hảo đó là cảnh bức tranh giả thắt nút-mở nút lúc đầu và cảnh cuối cùng. Hai cảnh đó đã cho tôi thấy tài năng trong cách kết hợp các yếu tố của Danny. Đây là phong cách mà ông sử dụng nhiều nhất trong phim, và nó đã tạo nên hiệu ứng thành công tuyệt vời đối với thể loại gây cấn hình sự. Phong cách tiếp theo mà ông sử dụng trong phim là việc che dấu ý nghĩa thật sự mà phim muốn nói đến cho đến phút chót. Việc mang một câu chuyện khám phá trí não con người lồng ghép vào một vụ cướp tranh đã khiến bạn xoắn não khi cố gắng suy nghĩ rằng cái phim quỷ quái đang cố gắng nói cái gì vậy nhỉ? Liệu phim muốn nhấn mạnh lòng tham con người? Hay muốn nói rằng lý trí quan trọng hơn hành động? Khá bất ngờ, cả 2 đều sai. Ý nghĩa của phim được Danny che dấu đến phút chót bằng cách gây lệch lạc suy nghĩ người xem bằng việc thay đổi góc quay liên tục khiến bạn khó đoán được nhân vật chính vì ông biết người xem sẽ đoán được ý nghĩa và kết quả phim thông qua những dữ kiện liên quan đến nhân vật chính. Ông còn cố gắng thể hiện kể về câu chuyện cướp tranh như phim Rock’n’Rolla khi các nhân vật đan xen tâm lý và hành động vào nhau khi cùng hướng về bức tranh, bạn sẽ tự hỏi: Ai là người tốt và ai là người xấu?. Sau đó, ông hướng vụ cướp tranh đi theo câu chuyện về trò chơi trong tâm lý con người giống phim Inception. Các lời thoại kiểu ẩn ý như ‘Ai cũng tham lam, sớm hay muộn’ và cuối cùng là việc chạy chữ đột ngột, các hình ảnh khiêu dâm nặng nề. Tất cả đều làm suy nghĩ người xem xao lãng, không thể quyết định rằng ý nghĩa bộ phim nằm ở đâu. Nhờ vậy, ông đã thuyệt phục người xem ở lại đến phút chót và chịu đựng những yếu tố bất ngờ trong cốt truyện, những cảnh gây cấn mới có thể thấy được cái kết. Đây là điều mà hàng nghìn bộ phim cùng thể loại ước muốn có thể làm được bởi vì sẽ không còn gọi là thể loại gây cấn nữa nếu người xem đoán được cái kết và ý nghĩa phim trước khi kết thúc. Che dấu giỏi đến đâu thì cách mở ra cũng phải hoành tráng đến đó mới xứng đáng, và Danny đã làm được. Việc sử dụng cấu trúc lặp lại cho đoạn cuối (ban đầu chiếu các cảnh phim một cách lặp đi lặp lại nhưng bđi các chi tiết quan trọng để gây khó hiểu, cho đến cuối cùng, chiếu lại cảnh phim đó nhưng thêm vào các chi tiết hợp lý để tạo logic). Đã có nhiều phim đạt được thành công nhờ cách kể chuyện này như Saw, Insidious hay gần đây nhất là Now You See Me. Nhưng Trance đã thành công khi các cảnh được lặp lại chính là các cảnh gây cấn nhất phim, nó tác động sâu vào tâm lý người xem vì vậy khi các cảnh này được giải đáp, người xem chỉ còn cách la lên: Ồ, thì ra nó là vậy. Cuối cùng là cái kết. Bạn biết được một bộ phim hay là như thế nào khi bạn không thể đoán trước được cái kết. Với Trance, bạn cũng không thđoán được, nhưng bạn cũng sẽ còn bất ngờ hơn nữa khi cái kết sử dụng hình ảnh tượng trưng-điều Danny đã làm với cái kết của 127 Giờ và Triệu Phú Khu Ổ Chuột. Trong 127 Giờ-hình ảnh em bé đứng cười ngạo nghễ tượng trưng cho cuộc sống trong tương lai còn với Triệu Phú Khu Ổ Chuột, hình ảnh người anh trai tượng trưng cho những bất công, cám dỗ trong xã hội. Việc sử dụng như vậy đã rất thành công khi một trong 2 hai phim trên đoạt giải Oscar phim hay nhất còn phim còn lại thì được đề cử phim hay nhất. Với Trance, cách sử dụng này tiếp tục được thể hiện giống hoàn toàn với cách thể hiện của hai phim trên: hình ảnh Simon đối đầu với Franck tượng trưng cho việc con người đối đầu với quá khứ. Điều này sẽ làm bạn thấy rất tuyệt, tuy nhiên, tôi đã có đôi chút thất vọng khi mong muốn một chút đột phá.

Ảnh

Ý nghĩa

Sự thật là-các bạn cũng đừng nên cười khi tôi nói ra điều này- tôi đã khóc với đoạn kết của hai phim 127 Giờ và Triệu Phú Khu Ổ Chuột. Phải, tôi cũng hơi xấu hổ một tí khi thú nhận như thế, nhưng vì những ý nghĩa mà Danny Boyle lồng ghép trong các phim của ông quả thật rất sâu sắc và cảm động. Với Trance, do là thể loại gây cấn hình sự nên tôi đã không khóc, nhưng ý nghĩa của nó, vẫn còn đọng trong tôi rất nhiều suy nghĩ. Thứ nhất, đó không phải là ý nghĩa mà bạn dễ dàng đoán được. Như ở trên tôi đã nói, ý nghĩa được thể hiện qua cái kết có thể nói là bóp ngạt hơi thở của bạn khi bạn xem. Nếu bạn quên thở khi xem đoạn kết thì đó cũng là chuyện bình thường. Thứ hai, ý nghĩa của phim không theo kiểu anh hùng hóa. Nếu xem trailer, bạn sẽ cảm thấy dường như phim theo chủ nghĩa anh hùng, nhưng sự thật thì cái kết phim đều có mặt của 3 nhân vật trong phim- theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Simon- nhân vật trung tâm của phim, là một nhân viên quèn, sợ hãi, trọng qui tắc và bất lực trong việc xác định mục tiêu của cuộc sống. Franck-một tên trùm nóng tính, thông minh và tự chủ. Elizabeth-cô nàng bí ẩn. Cả 3 nhân vật với 3 tính cách và cách hành động khác nhau, chỉ qua một mắc xích về trí não con người đã cùng tạo nên cái kết logic, chặt chẽ và thuyết phục. Tôi đã định sẽ không nói về ý nghĩa này và để cho người xem tự thấu hiểu, nhưng do ở vai trò đánh giá, tôi phải tạo cảm hứng cho người xem qua bài review. Như ở phần phong cách phim tôi đã có nói, phim sẽ có hai hướng đi cho ý nghĩa mà người xem không thể xác định cái nào là đúng. Nếu bạn tin trailer và nghĩ rằng phim này tập trung vào vụ cướp, bạn sẽ nhìn thấy ý nghĩa về lòng tham lam trong đoạn kết, dù ý nghĩa này không phải là chính. Nếu bạn thông minh trong vài phút đầu của phim, bạn sẽ thấy được ý nghĩa về việc con người bị chi phối bởi lý trí trong từng hành động. Và ý nghĩa này cũng không phải là ý nghĩa chính. Trance- bộ phim qua cái tên và cốt truyện, đã thách thức người xem bước vào một mê cung của suy nghĩ, đi cùng với mê cung suy nghĩ của chính nhân vật Simon. Theo dõi phim, bạn sẽ có cảm giác đang đi theo Simon- đi tìm hướng đi cho cuộc sống. Liệu lý trí trong một giây phút tích tắc có thật sự biến đổi bạn như biến đổi Simon-từ một nhân viên quèn thành người hùng? Liệu lòng tham có thật sự là yếu tố quyết định mọi hành động trong cuộc sống bạn, rằng bạn, như bao con người khác, vẫn cố gắng nắm giữ mọi thứ, kể cả thứ đã thuộc về quá khứ và vĩnh viễn biến mất? Dù thế nào, Danny cũng đã chỉ ra con đường cho Simon, cho bạn thoát ra khỏi mê cung suy nghĩ này: Tin vào bản thân đđi tìm sự thật, để bắt đầu lại. Có thể người cạnh bạn là người đang tỏ ra đáng tin nhất, nhưng chính bạn, chính bạn mới sở hữu trí não, suy nghĩ của bạn. Và Danny cũng đã dẫn dắt cho Simon đi đúng hướng, anh đã tìm ra sự thật, a đã tìm ra suy nghĩ chính xác. Đến lúc rồi. Ý nghĩa thật sự của Trance, nói về tình yêu. Bất ngờ phải không nào. Ý nghĩa đó là: đừng để bản thân bị thao túng bởi kí ức, đừng để bản thân phải chịu đau khổ trong sự ám ảnh về những hành động của bản thân và của người mình yêu trong quá khứ. Simon đã thấy được điều đó, anh quyết tâm tiêu diệt quá khứ, và đến đây Danny lại tát một gáo nước vào mặt khán giả: Bạn có thể rủ bỏ quá khứ, nhưng hãy để nó ngủ yên, đừng cố gắng xóa bỏ nó, bởi chính những đau khổ trong quá khứ lại là những bài học để bạn bước tiếp trong tương lai.

ẢnhBạn hãy nhớ rõ tấm hình trên vì tôi chắc chắn rằng khi bạn xem đến đoạn kết và thấy hình ảnh trên, sẽ có rất nhiều cảm xúc. Đối với tôi, mỗi bộ phim luôn mang đến một bài học cho cuộc sống, dù đó là phim hay hoặc tệ cũng vậy thôi. Ý nghĩa của Trance rất hay, sâu sắc và được dẫn dắt bởi một cốt truyện độc nhất vô nhị, được vẽ nên bởi một phong cách làm phim khác người. Tất cả những yếu tố đó thật sự tạo nên một tác phẩm có thể nói là hoàn hảo và tiếp tục khẳng định cái tài của Danny Boyle. Bạn sẽ thấy một đạo diễn vĩđại như thế nào khi họ liên tiếp tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Sau Stanley Kubrick, sau Steven Spielberg, Danny Boyle sẽ là cái tên tiếp theo.