WALT DISNEY PICTURES’S FROZEN: MỘT THỨ GÌ ĐÓ GỌI LÀ SEMI-EPIC

Ảnh

Về phương diện cá nhân, tôi thích các bộ phim thể loại kinh dị, sci-fi và đặc biệt là các bộ phim được xây dựng theo phong cách Epic. Các tác phẩm điện ảnh Epic là các tác phẩm có thời lượng rất dài, chú trọng rất nhiều vào kĩ thuật hình ảnh đặc biệt mang tính đột phá, nhưng cái tạo nên chất “Epic” trong phim chính là các tầng nghĩa chứa đựng. Với các phim Hàn Lâm hoặc các phim thị trường, Epic rất khó được yêu thích. Đa số những bộ phim đó đều cố gắng không quá thách đố mọi người với 1 hoặc 2 tầng nghĩa là cùng. Người xem khi xem vào sẽ hiểu ngay, không quá “hại não”. Tuy nhiên, các bộ phim được xây dựng theo phong cách Epic luôn có sức hút và đặc biệt là gây nhiều tranh cãi. Với vị trí là một fan cuồng, tôi luôn mong mỏi có một ngày Disney có thể xây dựng một bộ phim theo phong cách này. Với vị trí là một người nhận xét, tôi luôn mong mỏi Frozen- tác phẩm Disney đã giành rất nhiều tâm huyết có thể so sánh được với 2001: A Space Odyssey- một tuyệt phẩm Epic vẫn giữ vị trí số 1 trong tôi. Kết quả là không mấy thất vọng, Frozen chỉ dừng lại ở mức Semi-Epic mà thôi.

Frozen được Walt Disney và Samuel Goldwyn mong muốn xây dựng từ năm 1943. Khi đó, cả 2 nhà sản xuất đại tài này đã muốn chuyển thể các tác phẩm của Andersen. Nhưng đáng tiếc, The Snow Queen- câu chuyện chính của Frozen đã chỉ nằm ở trên kệ. Sau đó, đến năm 1990, studio Walt Disney Feature Animation mới bắt đầu dự án chuyển thể The Snow Queen, nhưng dự án được xây dựng kéo dài đến năm 2002, Khi Glen Keane từ bỏ dự án. Đến năm 2008, Lasseter được gợi ý một vài ý tưởng từ Disney, trong đó có The Snow Queen. Hóa ra ông cũng đã có hứng thú với The Snow Queen trong một thời gian dài, khi ông vẫn đang thực hiện Toy Story vào những năm 1990. Và thế là sau sự thành công hồi sinh Disney của Tangled, Lasseter bắt đầu thực hiện sản xuất bộ phim Frozen dựa trên The Snow Queen- bộ phim đáng lẽ đã được thực hiện từ lâu.

Ảnh

Cốt Truyện

Rất khó để viết 1 bài review vừa tạo cảm hứng cho người xem, vừa tiết lộ càng ít chi tiết trong phim cho họ. Tuy tôi đã cố gắng hết sức nhưng rất tiếc rằng đành phải dán mác Spoiler Alert cho phần cốt truyện này. 2001: A Space Odyssey có cảnh mở đầu là một màn hình hoàn toàn đen với bản nhạc mở đầu của bài Also sprach Zarathustra. Frozen cũng có cách mở đầu tương tự với một bản nhạc và các hình ảnh được thiết kế tỉ mỉ, tạo cảm giác rất đặc biệt khi vừa bắt đầu phim. Tuy nhiên, đáng tiếc khi sau đó, cốt truyện bị kể một cách dồn dập và có phần gượng ép người xem. Đây là điều bất ngờ khi từ trước tới nay- Disney luôn nổi tiếng với phong cách kể chuyện dẫn dắt rất hợp lý. Cả một đoạn dài giới thiệu về bối cảnh, những lí do đầu tiên chỉ mất đúng 10 phút. Tôi đã mong đợi nhiều hơn thế: một cách dẫn vào truyện chậm hơn, gây hồi hộp và phần nào đó kích thích khán giả. Đoạn đầu của phim khiến tôi có cảm giác: ‘Ok, chuyện là thế đấy’ chứ không phải ‘Ôi trời, chuyện gì sẻ xảy ra’. Có đôi chút hụt hẫng, tuy nhiên, hoàn toàn có thể hiểu được do Frozen nói trắng ra chỉ được tạo ý tưởng từ The Snow Queen, hoàn toàn không chuyển thể toàn bộ bộ phim. Kịch bản bộ phim được viết riêng biệt và cố gắng nhào nặn sao cho loại bỏ hết yếu tố đen tối của The Snow Queen. Ngoài ra, cốt truyện ngay trong bộ phim mở đầu đã gửi gắm một chút tư tưởng chính của phim về “Trái tim mùa đông” và câu thoại rất hay của cục đá pháp sư-câu thoại ẩn chứa ý nghĩa của toàn bộ bộ phim. Điều này vừa tạo ra điểm tốt và xấu: tốt ở chỗ nó cho chúng ta sự kích thích, xấu ở chỗ người xem thông minh có thể dễ dàng đoán được rằng cốt truyện sẽ được xây dựng giống như những bộ phim trước của Disney. Cốt truyện Frozen mang đến những nhân vật rất riêng, rất hay, nhưng có phần lặp lại từ các phim trước. Mới ở chỗ trước đây thường chỉ có 1 công chúa, giờ đây có tới 2. Elsa- người chị cả, một người ngay từ những phút đầu bộc lộ là một con người đáng thương, nghiêm khắc, khao khát sự đồng cảm. Do một quyền năng đặc biệt phải che dấu, cô đã phải trốn tránh người em gái- Anna- một cô gái hồn nhiên, nghịch ngợm, lạc quan, sâu sắc và lụy tình. Cốt truyện xây quanh mối quan hệ chuyển biến liên tục giữa hai chị em, nhưng dù có nhiều tình tiết thay đổi chóng mặt, tính cách của hai nhân vật chính vẫn được giữ nguyên và dần dần bộc lộ nhiều yếu tố hơn. Anna, một cô gái lụy tình, có sẵn sàng dứt bỏ tình yêu vì chị mình? Elsa, người đáng thương phải bỏ trốn khỏi vương quốc vì quyền năng quá lớn, liệu có thay đổi suy nghĩ về bản thân? Nếu so với tác phẩm cũng từng được chuyển thể từ truyện của Andersen- The Little Mermaid, cốt truyện của Frozen khó đoán và hay hơn, đặc biệt là cái kết mà tôi gọi là double-slip, cái kết thông minh và tạo được nhiều ấn tượng.

Ảnh

Hình ảnh

Các bộ phim của Disney luôn gắn liền với cách kết hợp giữa đồ họa và nghệ thuật kể truyện. Đồ họa tô đậm thêm cho cốt truyện và đồng thời cũng tạo ra nét riêng của bộ phim. Đáng tiếc, đồ họa của bộ phim vẫn rất tốt, vẫn rất chi tiết, tạo được điểm nhấn, nhưng nó không có sự đột phá và phong cách riêng như cảnh lâu đài, lớp băng và đặc biệt là hoa tuyết. Cách thiết kế nhân vật vẫn còn lặp lại so với Brave, Tangled,… dù bộ phim có nhiều nhân vật sáng tạo mới.

Ảnh

Nhưng đáng mừng là đồ họa đã nhấn mạnh được những cao trào trong cốt truyện. Như cảnh gây cấn khi Elsa quyết tâm ra đi. Trong cảnh này, hình ảnh con sông khi Elsa băng qua rất tuyệt vời, cho ta cảm giác cô đơn và lạc lõng khi nhân vật phải chạy trốn. Hay hình ảnh ngay khi bộ phim bắt đầu được thể hiện rất chi tiết, tạo không khí cho bộ phim, khiến ta muốn bắt đầu xem ngay. Nói chung, thiết kế đồ họa của Disney vẫn rất tốt và tạo được hiệu quả, nhưng tôi đã mong muốn thứ gì đó xa hơn mà tác phẩm này mang lại.

Ảnh

 

Bên cạnh đó, thật tiếc khi bộ phim hơi thiếu các cảnh gây cấn. Cũng có thể vì các nhà viết kịch bản muốn loại bỏ hoàn toàn hình ảnh đen tối của The Snow Queen nên đã gần như loại bỏ các chi tiết gây cấn. Tuy vậy, các trường đoạn gây cấn ít ỏi trong phim vẫn có được chất lượng tốt, khiến chúng ta không thể rời màn hình. Do chỉ là một bộ phim hoạt hình giải trí nên các trường đoạn này không gây cảm xúc mạnh lắm, chỉ đđể khán giả nín thở theo dõi mà thôi. Cách sử dụng góc quay của bộ phim không tốt cũng không xấu-nó dừng lại ở mức đủ dùng. Họ đã làm rất tốt khi cho góc quay xa trong cảnh Elsa chạy trốn và trình diễn hit đình đám “Let It Go”- gây được cảm xúc mạnh về sự thay đổi tính cách trong cô. Tuy nhiên, trong các cảnh còn lại, tôi đã ước họ có thể làm tốt như vậy. Chris Buck và Jennifer Lee không phải là Steven Spielberg nên họ đã không sử dụng góc quay tốt như vị đạo diễn tài năng đã làm được trong The Adventure of Tintin. Trong các cảnh cô đơn, hồi hộp, họ đã sử dụng góc quay có đôi chút không hợp lý. Như cảnh Anna sắp chết vào phút cuối, góc quay đột nhiên lệch xuống chân của cô, chỉ để nhấn mạnh bước chân lảo đảo thay vì cận cảnh gương mặt đang tìm cách với tới tình yêu chân thật của Anna. Yếu tố hình ảnh tạo nên sự choáng ngợp cho bộ phim. Frozen chỉ làm tôi bất ngờ và hài lòng trong vài trường đoạn ngắn ngủi.

Ảnh

 

Âm thanh

Đây là một bộ phim của Disney, đương nhiên nó vẫn thừa hưởng phong cách kể chuyện bằng âm nhạc của hãng. Pixar khác Disney, họ không sử dụng điều này, họ cho rằng đây là yếu tố thừa thãi và dần dần việt viếc nhạc của Disney đi vào lối cụt, khác xa so với thời đại phát triển của Walt. Điều đó là đúng. Các bài hát vẫn rất hay, được thể hiện tốt, nhưng chả ăn nhập và phù hợp với cốt truyện và diễn biến. Trong các diễn biến chả cần đến một bài hát, họ vẫn cố gắng “gửi gắm” một vài giai điệu hay hay cho vui tai. Không biết bạn nghĩ sao nhưng tôi chỉ cảm thấy nó quá phiền phức và gây ức chế cực kỳ. Các bài hát vẫn được sáng tác theo phong cách cổ điển một chút, tuy nhiên, gây bất ngờ lại là track “Let It Go” làm mưa làm gió (nói thật nhá, nghe bọn trong lớp hát mà phát chán luôn ấy.) Đó là một bài hát(có lẽ là duy nhất) được lồng ghép đúng thời điểm, ngay điểm nhấn về sự thay đổi tích cách của Elsa. Idina Menzel- người lồng tiếng cho Elsa và cũng là người ra vào Broadway hàng tuần đã không khó khăn gì để thể hiện bài hát này-giúp “Let It Go” đoạt giải Oscar. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy được một bài hát trong một phim của Disney đạt được thành công đến thế. Không chỉ vì giai điệu và giọng hát hay, mà vì nó được lồng ghép đúng lúc, tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa cốt truyện và phong cách trong phim. Đây là điều mà tôi cảm thấy hài lòng, nếu quay lại với 2001: A Space Odyssey. Cũng giống như album soundtrack của Frozen, soundtrack của 2001: A Space Odyssey được ca tụng rất nhiều. Điều đặc biệt là bản giao hưởng The Blue Danube trong phim đã quá quen thuộc với mọi người. Người ta nghe đi nghe lại bản giao hưởng đó hàng năm trời mà vẫn không thấy gì đặc biệt, cho đến khi Stanley Kubrick mang bản giao hưởng đó lồng ghép vào cảnh mọi thứ diễn ra bên ngoài vũ trụ, mọi thứ trở nên quá hoàn hảo, dù trường đoạn đó diễn ra suốt hơn 11 phút của toàn bộ bản giao hưởng.

Ảnh

 

 

Ý nghĩa

Nếu xem một bộ phim Epic như 2001: A Space Odyssey hay gần đây nhất là hai phần của The Hobbit, bạn sẽ rất mệt óc. Các tầng nghĩa liên tục đan xen, lồng ghép cho đến khi bạn phát hiện được ý nghĩa cuối cùng của phim.Đó là điểm đặc trưng quan trọng nhất.Frozen có ý nghĩa đơn giản, không quá phức tạp, nhưng nó đã tạo nên hiệu ứng tương đương với những gì mà các tầng nghĩa trong các phim Epic làm được: lôi cuốn, đầy bất ngờ và sâu sắc. Từ ý nghĩa xóa bỏ hết những quan điểm mà các bộ phim trước của Disney qua lời thoại của Elsa: “You can’t marriage a men you just met” đến ý nghĩa trong lời thoại của cục đá pháp sư: “Chỉ có hành động chân tình mới làm tan chảy trái tim băng giá”. Frozen mang đến nhưng ý nghĩa mà thật sự chưa có bộ phim nào trước đây của Disney làm được. Điều đặc biệt là các ý nghĩa sâu sắc này chỉ đến với bạn một cách bất ngờ mà không hề biết trước. Bất ngờ về hoàng tử Hans, hay chuyện tình của Anna,..và đặc biệt là cảnh cuối cho ta quan niệm hoàn toàn mới về True Love. Tất cả đều tạo nên một ý nghĩa ẩn chứa nhiều điều hay và đây là bước đột phá của Disney khi các ý nghĩa này dường như là một chân trời mới mà họ đang và sẽ khai thác. Có thể cũng chính vì điều này đã khiến Frozen trở thành phim hoạt hình đoạt doanh thu nhanh nhất mọi thời đại và đứng thứ 8 trong các bộ phim đoạt doanh thu nhanh nhất mọi thời đại. Nhưng quan trọng nhất, nó đã mang về cho Disney giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất. Xuyên suốt bộ phim, chúng ta thấy được khát khao tìm kiếm những thứ bản thân còn thiếu của các nhân vật. Anna mong mỏi tìm được tình yêu thật sự và sự gắn kết với chị mình, Elsa muốn có được sự đồng cảm, có được câu trả lời cho câu hỏi: “Thay đổi hay không thay đổi bản thân?”,…. Tuy nhiên, qua cái kết hoàn hảo, bộ phim muốn gửi đến người xem hai ý nghĩa: “Tình yêu thật sự luôn xuất phát từ con tim” và “Tình thương sẽ giúp ta thay đổi mọi thứ, ngay cả chính bản thân ta”.

Ngay sau khi xem Frozen, tôi rất hài lòng với những gì mong đợi trước. Một bộ phim chứa đựng một ý nghĩa hay qua cốt truyện và diễn biến sáng tạo, hoàn toàn đột phá. Tuy nhiên, điều còn thiếu để Frozen có thể trở thành một bộ phim Epic chính là các sai sót của các nhà làm phim. Trong suốt hai tiếng của 2001: A Space Odyssey, Stanley Kubrick đã biến nó thành tuyệt tác Epic khi thực hiện liên tục hàng loạt những nghệ thuật một cách hoàn hảo, khiến nó trở thành cuốn sách giáo khoa chứa đựng những tiêu chuẩn làm phim mà cho đến thời nay các đạo diễn lớn vẫn học hỏi theo. Tôi đã chờ đợi quá lâu ở Disney giai đoạn mới một bộ phim như thế. Với Frozen, họ đã bước đầu làm được và trong các bộ phim tương lai, họ sẽ làm được.