Yasujirō Ozu’s Tokyo Twilight Review

Khi tôi bắt đầu xem Tokyo Twilight, tôi rất mong chờ một bước tiến mới của nhà làm phim này, dù ông đã mất từ lâu, nhưng những lần lột xác của Ozu vẫn mang tính cách tân của người nghệ sĩ. Sau Tokyo Story, Ozu mang đến một bất ngờ với Early Spring. Ông chuyển hướng từ nỗi đau gia đình của những người lớn tuổi, sang nỗi cô đơn của những cặp vợ chồng trẻ. Tokyo Twilight chứng kiến một bước đi táo bạo hơn nữa, trong câu chuyện, cấu trúc phim, và hơn bao giờ hết, từng quyết định của Ozu trở nên có ảnh hưởng tới người xem theo cách chưa từng có.

Nói như vậy là vì Ozu luôn sử dụng phong cách chuyển hoá chậm, ngay cả trong những tác phẩm nổi bật nhất về cảm xúc của ông như Tokyo Story, Early Summer, cũng đều chậm và thấm dần vào người xem khi đến cuối phim. Tokyo Twilight tuy không chứng kiến một thể loại mới nào ngoài mối quan hệ gia đình thường thấy của Ozu, nhưng lại có một bộ mặt hoàn toàn khác. Một bộ mặt đen tối hơn, nhiều khóc khuất hơn của gia đình, những gì mà người xem chắc hẳn chưa từng muốn đối diện, nhưng, không ít chúng ta lại cảm thấy đồng cảm. Với một câu chuyện cao độ hơn, Ozu chọn cách tiếp cận cũng rất mạnh bạo. Ông để nhịp độ nhanh hơn, ông để mỗi tình tiết có sức nặng hơn với tổng thể cấu trúc phim, và khi tất cả những nhân vật trong phim đều phạm sai lầm và gánh chịu hậu quả, chúng ta tưởng như đây không phải là một phim của Ozu.

pillow2

Nhưng đây vẫn là một phim của Ozu, vì ông không gấp gáp và sơ sài. Từng thành viên trong gia đình có những mối quan hệ được xây dựng tỉ mỉ và chi tiết. Phim lấy một gia đình nhỏ làm trọng tâm, với người cha một mình chăm sóc hai người con gái. Cuộc sống vốn đã nhiều rắc rối từ người con gái út, bỗng thay đổi nhiều hơn nữa với sự quay lại của người mẹ đã bỏ đi từ lâu. Sự tương tác giữa người con gái nhỏ nhất với người cha, giữa hai chị em, giữa cha chồng với con rể, tất cả đều rất đặc trưng, và sự khéo léo của Ozu thể hiện ở việc mỗi sự tương tác đều liên quan tới nhau, và họ đều bị nhốt chung vào một vấn đề lớn nhất của gia đình. Thế nhưng Tokyo Twilight có một điều làm tôi khâm phục sự mạo hiểm về đổi mới của Ozu: để hết những sức nặng của phim lên nhân vật trẻ tuổi nhất. Nhiệm vụ này thường được Ozu giao cho nhân vật của Setsuko Hara, nhưng trong phim này, khi Setsuko đảm nhận vai người chị, Ozu muốn sự tập trung dành cho người em gái, do Ineko Arima thủ vai. Tất cả những gì đau khổ nhất, những suy nghĩ sâu xa nhất, những nỗi ám ảnh lớn nhất đều đến từ nhân vật Akiko. Ngay từ đầu, Akiko có vẻ là một người con gái tuổi thiếu niên điển hình: cứng đầu, mù quáng, và ham muốn tự do, nhưng dần về cuối phim, Ozu để những góc khuất đen tối nhất, những nỗi sợ khủng khiếp nhất dành cho cô. So với điện ảnh hiện đại, đây là điều không hề hiếm, nhưng với những ai từng yêu thích Ozu, sự chuyển biến này gây thất vọng rất nhiều, và Nhật Bản đã biến Tokyo Twilight trở nên bị lãng quên.

13

Tuy là nhân vật trẻ tuổi nhất, thiếu tính tượng trưng, nhưng Akiko lại mang đến hiệu ứng về mặt cảm xúc không thể quên được. Diễn xuất Ineko Arima là xuất sắc, mang tính hiện tượng khi chỉ ở tuổi 25, cô làm lu mờ hoàn toàn huyền thoại Setsuko Hara. Ineko mang đến sự kịch tính hoàn hảo giữa nhân vật và những tình tiết, và ánh mắt vô hồn đến mức đáng sợ của cô là thứ mà không phải diễn viên mới nổi nào có thể làm được: tạo ra một nhân vật trẻ tuổi, nhưng nhiều chiều sâu về cảm xúc.

Điều đáng buồn, những thành viên khác trong gia đình không hề để ý đến điều đó ở một cô gái trẻ. Người cha luôn nghiêm khắc và cố gắng giữ người con gái trong an toàn. Người chị luôn nuông chiều một cách thái quá, người cô luôn mong cô sớm cưới chồng để trở nên ngoan hơn. Không ai nghĩ rằng cô có những tâm tư, dằn vặt riêng, thầm kín và nặng nề.

tumblr_nzzuq7figw1r0cew3o1_1280

tumblr_nzzuq7figw1r0cew3o2_1280

Phong cách hình ảnh của Ozu luôn dành để tôn vinh những nhân vật bằng cách giữ yên máy quay và cho phép diễn viên tự do trong khung hình. Lần này, hình ảnh tôn vinh sự cô đơn. Ngay từ đầu phim, hình ảnh chiếc nón nói lên sự xa cách giữa các nhân vật, khi người con rể để quên nón tại quán ăn mà người cha đang ăn, ông vẫn cứ để chiếc nón ở đó, thay vì mang về cho người con. Hình ảnh của Ozu luôn chọn lọc và với những chi tiết nhỏ như vậy, phim lại nói lên rất nhiều điều. Và chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh tương tự. Nhưng một điều tôi chú ý rõ và thấy được sự thay đổi của Ozu là ông dùng góc quay mới: trực diện, phóng gần vào gương mặt nhân vật. Ông thường chuộng góc quay tĩnh, tầm trung để bao quát nhiều người vào một khung hình, nhưng ông lại đặt niềm tin khá nhiều vào diễn xuất của Ineko khi luôn dành trọn khung hình cho gương mặt cô. Ineko hoàn toàn không để phí điều này, khi một lần nữa tôi cần phải dành những lời khen đẹp nhất cho diễn xuất của cô. Phim được thực hiện vào những năm 50, chắc chắn rằng phương pháp diễn xuất thẳng vào máy quay của Hitchcock chưa thịnh hành ở Nhật, nhưng Ineko vẫn mang đến những bí ẩn trên gương mặt khi cô nhìn thẳng vào ống kính thay vì bằng lời thoại.

174

Và đó cũng là điểm điển hình của tính nghệ thuật trong phim Ozu. Với ông, những điều vô hình mới chính là ngôn ngữ của điện ảnh. Mỗi tác phẩm của ông luôn gắn kết những nhân vật bằng một điều vô hình, một điều không bao giờ được nói ra, không bao giờ được cảm nhận. Akiko luôn giữ cho mình một bí mật, và chính bí mật này đã tạo ra những xung đột và đau khổ bên trong căn nhà. Ozu đã từng rất nương tay khi để cho những điều vô hình được những nhân vật cảm nhận và thấu hiểu, trong Tokyo Story, trong Early Summer, hay đoạn cuối của Late Spring. Nhưng khi đến kết thúc của Tokyo Twilight, điều đau khổ là khi người xem nhận ra rằng những bí mật của Akiko mãi mãi không được người thân biết đến. Với người Nhật, đây là điều không chấp nhận được ở Ozu. Với người yêu thích điện ảnh, đây là thứ tạo nên một tuyệt tác.

Theo cá nhân tôi, tôi đánh giá cao và thích Tokyo Twilight hơn bất cứ một tác phẩm nào khác của Ozu. Ý nghĩa và cảm xúc của phim chỉ có thể tìm được ở rất ít những phim khác của điện ảnh Nhật Bản, Sansho the Bailiff là một ví dụ. Tôi thích ý nghĩa của phim nhiều vì nó lớn lao hơn những gì Ozu từng mang đến. Tôi từng khóc khi xem Late Spring, nhưng xét cho cùng đó vẫn chỉ là một phim nói về tình cảm gia đình bị dang dở. Tokyo Twilight mang đến ý nghĩa sâu xa trong mỗi con người, một góc khuất mà chúng ta không dám nhìn thẳng vào. Ozu nhấn mạnh rằng chúng ta có những nỗi sợ thầm kín nhất, ám ảnh nhất, nhưng chính bản thân lại có xu hướng mang nỗi sợ tương tự cho những người xung quanh, dù là những người thân thiết nhất. Khi Akiko tìm lại được người mẹ lúc trước đã bỏ rơi những người con, cô không đến tìm người mẹ để hỏi rõ lí do tại sao. Cô đến với câu hỏi rằng cô liệu có phải là con ruột của người cha hay không, vì cô căm ghét cha mình, và mong rằng mình không phải là con ruột của ông. Sau đó chúng ta có thể hiểu được Akiko có nỗi sợ về sự mất mát người thân, về sự ruồng bỏ chính những người mang chung dòng máu, nhưng chính cô lại là người muốn ruồng bỏ cha ruột của mình.

12

Những phim của Ozu luôn mang sự đấu tranh trong nhân cách con người khi xã hội và đời sống thay đổi. Trong Tokyo Twilight, chúng ta thấy được những góc khuất của nhân tính, những điều xấu xa nhất của con người, chúng ta thấy sự đấu tranh giữa bản tính với những điều bản thân tin tưởng. Đối với tôi, Tokyo Twilight là tác phẩm nghệ thuật vĩ đại vì nó thể hiện đúng giá trị gắn liền giữa nghệ thuật và nhân tính. Có lẽ Ozu đã đi quá xa so với thời điểm bấy giờ. Có lẽ Ozu đã gửi gắm những điều quá đen tối vào một tác phẩm đáng lẽ nên dành cho sự xoa dịu, như khán giả thường trông đợi mỗi khi tìm đến phim của ông. Có lẽ Ozu muốn gửi gắm rằng trong mỗi câu chuyện, hóa ra hoàn toàn không tồn tại người tốt và người xấu, không tồn tại anh hùng và ác nhân, tất cả đều là con người và con người. Và vì là con người, chúng ta luôn có những góc khuất, những bí mật, những bản tính xấu xa. Với nền văn hóa Nhật Bản, mọi người luôn coi trọng nhân cách con người, luôn giữ gìn giá trị bản thân bằng những nguyên tắc chính chắn, nhất là với những con người trẻ như Akiko, và Tokyo Twilight không may lại thể hiện mặt trái của tất cả những điều đó, và bị lãng quên hoàn toàn, ít nhất là với vị trí một tác phẩm hay, phim không được thừa nhận nhiều như các tác phẩm khác. Dù Ozu có đi ngược lại văn hóa Nhật Bản hay không, tôi thật sự vẫn đánh giá cao ông như một nhà làm phim, một nghệ sĩ tài năng. Ông đủ tài năng và lòng dũng cảm để làm xuất sắc nhiệm vụ của mình: phá vỡ rào cản, và nói lên sự thật. Có lẽ chúng ta luôn mong rằng rồi cuộc sống có một kết thúc đẹp như những tác phẩm khác của ông, nhưng có lẽ chúng ta cũng cần chấp nhận sự thật rằng bản tính con người luôn có khuyết điểm, và chúng ta phải đánh đổi tất cả để trả giá cho mỗi quyết định của mình. Đó là sự thật, dù muốn hay không.