The Bad Sleep Well Review

“Do Suicides Prove Corruption?”

Khi nghĩ đến điện ảnh Nhật Bản, nhiều người vẫn cảm nhận mỗi tác phẩm của Akira Kurosawa thật sự quá bất công cho những đối thủ cạnh tranh khác. Akira sớm đạt được thành công khi còn trẻ, là đạo diễn quan trọng của studio huyền thoại Toho, luôn được làm việc với những diễn viên và nhà quay phim tốt nhất. Akira Kurosawa luôn có những điều tốt nhất trong tay và là ví dụ hiếm hoi cho một nhà làm phim chưa bao giờ có một tác phẩm tệ. Điều giúp Akira Kurosawa thành công vượt bậc so với những người khác không chỉ là những gì ông có trong tay, mà còn là khả năng đưa ra lựa chọn một cách tài tình dựa trên những gì đã có.

Screenshot (127)

The Bad Sleep Well kể về một vụ gian lận của hai công ty xây dựng. Kế hoạch vạch trần vụ gian lận được thực hiện bởi con rể của chủ tịch một trong hai công ty. Lí do phía sau kế hoạch hé lộ thân phận thật của người con rể.

The Bad Sleep Well là tác phẩm tiếp tục kéo dài thời kỳ đỉnh cao của Akira. Thật đáng tiếc, dù đây là một tác phẩm xuất sắc, những lựa chọn của Akira lại phần nào đó khiến mọi người bỏ qua The Bad Sleep Well. Phim là một trong số 3 tác phẩm duy nhất thuộc thể loại film noir trong sự nghiệp Akira cho bối cảnh hiện đại. Với phần lớn sự nghiệp được biết đến như nhà làm phim gắn liền với bối cảnh Nhật Bản cổ và thể loại samurai, cũng dễ hiểu khi Akira vô tình khiến mọi người lạnh nhạt với The Bad Sleep Well.

Screenshot (125)

Tuy nhiên, Akira tiếp tục lựa chọn một câu chuyện có chiều sâu, hấp dẫn đến phút cuối, và nặng tính triết học. Như những tác phẩm lớn khác của ông, Akira dựa một phần nhỏ trên một vở kịch của Shakespeare nhằm tạo nên một cốt truyện xoay quanh bi kịch và con người. The Bad Sleep Well dựa trên một phần nhỏ của vở kịch Hamlet, xoay quanh hành trình trả thù của một thanh niên trẻ, kết hợp với những yếu tố của tội ác và sự sụp đổ của xã hội vốn là đặc trưng của Film Noir.

Tuy không phải là thể loại sở trường, Film Noir vẫn được tô vẽ một cách xuất sắc bởi Akira. Ông tạo ra một câu chuyện nặng nề và mang màu sắc đen tối về sự suy đồi đạo đức và nhân tính. Bằng cách loại bỏ những yếu tố văn hoá và tâm linh vốn thường thấy trong những tác phẩm khác của mình, Akira sử dụng Film Noir như một cốt lõi cho tâm lý và hành động của nhân vật. Ông để tất cả những nhân vật của mình đều lún sâu vào tội ác, tham lam, ích kỷ, và lạc lối trong việc tìm lại bản ngã của mình sau khi đã đắm chìm quá lâu vào những ngã rẽ khác nhau. Bên cạnh đó, cốt truyện xoay quanh vụ án tham nhũng của hai công ty xây dựng còn tạo ra sự kịch tính xuyên suốt phim, với những hành động bất ngờ và mạo hiểm của mỗi nhân vật nhằm đánh bại đối thủ khiến phim luôn khó đoán và chờ đợi người xem đến phút cuối.

Screenshot (129)

Khác với Yasujiro Ozu vốn luôn tập trung vào những câu chuyện gia đình mang nét truyền thống Nhật Bản, Akira luôn biết cách đưa ra từng lựa chọn đúng để những tác phẩm của mình trở nên phong phú. Xuyên suốt sự nghiệp, Akira luôn lựa chọn màu sắc cho những tác phẩm của mình là một sự pha trộn giữa văn hoá phương Đông và phương Tây. Điều này phần nào đó tạo ra sự tranh cãi trong việc Akira hay Ozu mới là nhà làm phim vĩ đại của Nhật Bản. The Bad Sleep Well bị đánh giá thấp phần lớn là do sự pha trộn giữa hai nền văn hoá bởi Akira. Phim lựa chọn một câu chuyện bắt nguồn từ triết lý phương Tây và được thể hiện với một thể loại cũng đến từ phương Tây. Dù đã chắt lọc và thay đổi nhiều so với nguyên tác Hamlet, nhưng người xem vẫn thấy rõ những chi tiết của kịch gia vĩ đại phương Tây Shakespeare trong cách Akira xây dựng nhân vật. Từ tính cách cho đến những câu hỏi xoay quanh đạo đức, mỗi nhân vật trong The Bad Sleep Well luôn mang đậm phong cách phương Tây. Điều đó không làm thay đổi sự thật rằng những nhân vật đó vẫn rất đáng xem. Họ đáng thương khi bị cuốn vào một câu chuyện bi kịch, nhưng cũng rất đáng trách với mỗi hành động trong nỗ lực vượt qua bi kịch. Họ có lý tưởng, mục đích và cả lòng tham của cá nhân, nhưng lại tuyệt vọng trong việc hiểu rõ bản thân muốn gì, cần gì, và là ai. Giống như những gì người xem được thấy trong những tuyệt tác khác của Akira, The Bad Sleep Well pha lẫn bi kịch của câu chuyện với hài kịch của mỗi nhân vật. Họ buồn cười đến đáng thương. Họ xây dựng cảm hứng và mục đích từ chính những gì mình căm ghét. Họ yêu quý những gì mà họ cứ nghĩ rằng sẽ bỏ qua một cách dễ dàng. Họ tự lừa dối bản thân bằng cách thuyết phục người khác tin tưởng mình. Sự trớ trêu đến buồn cười của mỗi nhân vật luôn là yếu tố cuốn hút nhất mỗi khi người xem đến với một câu chuyện được nhào nặn bởi Akira. Và cho đến khi người xem chạm tới kết thúc phim, bi hài kịch lớn nhất của cuộc sống mới hiện ra: tất cả mọi người đều đang sống mà không hề biết mình là ai và đang làm gì. The Bad Sleep Well cũng không phải là một ngoại lệ.

Screenshot (126)

The Bad Sleep Well làm được điều đó phần lớn nhờ lựa chọn của Akira rằng ông sẽ bỏ qua yếu tố chính của thể loại film noir: thiện và ác. Trong hầu hết những bộ phim Film Noir, người xem rất dễ dàng nhận ra ai là anh hùng và ai là kẻ ác, ai là đại diện cho sự suy đồi của xã hội và ai là đại diện cho nỗ lực vươn lên của nhân tính. Tương tự Kagemusha, The Bad Sleep Well tô vẽ nhân vật chính, Nishi, như một con người tự đánh mất bản thân và bị xáo trộn danh tính của mình. Anh không biết rõ mình là anh hùng hay kẻ ác, là đại diện của công lý hay là tên đao phủ tàn nhẫn. Anh không biết rõ cảm xúc của mình, rằng mình đã ghét hay yêu ai đó đủ nhiều hay chưa. Một nhân vật như vậy luôn tạo nên nét đẹp rất hấp dẫn của một câu chuyện mang tính triết lý, vì người xem được nhìn nhận một tính cách, hành động theo nhiều mặt khác nhau. Đó vốn là ý nghĩa căn bản của triết học. Và đó luôn là thứ thuyết phục người xem rằng một bộ phim của Akira luôn nói lên một điều gì đó lớn hơn, một điều gì đó sâu sắc hơn, và đáng nhớ hơn.

Với những tác phẩm lấy bối cảnh Nhật Bản cổ như Rashomon, Ran, Dreams, Akira luôn cho thấy khả năng sáng tạo và kiểm soát hình ảnh phim thuần thục và đạt đến đỉnh cao mà gần như không một nhà làm phim châu Á từng đạt được. Và tuy The Bad Sleep Well là một tác phẩm Film Noir đen tối, bi kịch, phim vẫn không làm những hình ảnh trở nên kém hấp dẫn. Ra đời vào giai đoạn giữa của sự nghiệp, The Bad Sleep Well cho thấy sự thức tỉnh của Akira trong việc sử dụng hình ảnh phim như một ngôn ngữ giao tiếp hiệu quả với người xem. Ngay từ đầu phim cho tới khi kết thúc, mỗi khung hình của Akira là một bức tranh được ông sắp xếp đến hoàn hảo. Akira lựa chọn vị trí từng nhân vật, bối cảnh xung quanh, ánh nhìn, và hành động vào một khung hình nhất định. Khối hình tam giác và chữ nhật được Akira sử dụng rất hiệu quả trong việc sắp xếp khung hình, và bố cục hình ảnh này vẫn luôn là đặc trưng của ông cho tới mãi sau này.

Screenshot (121)

img_4850

Screenshot (136)

Nhưng điều làm nên hình ảnh đẹp trong phim Akira là cách ông sử dụng cử động và di chuyển nhằm thu hút ánh nhìn của người xem, hướng sự chú ý của người xem vào nhân vật và hành động cụ thể. Với sự trợ giúp của ống kính rộng, Akira luôn tạo ra những hình ảnh phim có chiều sâu rất nổi bật. Ông liên kết những nhân vật bằng ánh nhìn của họ cho nhau, và do những nhân vật được xếp vào một khối hình nhất định, ánh nhìn của họ như một đường chéo vô hình thu hút thị giác của khán giả, một mẹo giác quan vốn được sử dụng từ rất lâu trong hội hoạ. Phần lớn phim của Akira đều được thực hiện trắng đen, ông không thể sử dụng màu sắc nhằm tạo nên sự kịch tính trong khung hình như cách Masaki Kobayashi thường làm. Thay vào đó, Akira sắp xếp những cử chỉ và hành động nhân vật theo từng bước liên tiếp nhau, với từng vị trí cụ thể trong khung hình, và để máy quay cố định. Bằng cách này, với những cảnh quay có nhiều nhân vật, chúng ta có thể thấy rõ nhiều cảm xúc cùng một lúc, và vì mỗi cảm xúc đều có một vị trí nhất định trong khung hình, mỗi nhân vật đều trở nên có sức nặng cho cả cảnh quay. Tất cả những cảnh quay của The Bad Sleep Well đều tuân thủ theo những quy tắc đó, những quy tắc mà Akira luôn trung thành và luôn sử dụng rất hiệu quả và ổn định cho tới khi ông đóng máy quay. Và điều đó tạo nên ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng mà người xem luôn trông chờ mỗi khi xem phim của ông.

Screenshot (134)

Screenshot (133)

Screenshot (135)

Screenshot (131)

Akira luôn thật sự may mắn trong từng bộ phim vì ông luôn có khả năng kết hợp với những diễn viên tốt nhất. The Bad Sleep Well được xây dựng trên tài năng của một đội ngũ tốt nhất của điện ảnh Nhật Bản bấy giờ. Hai diễn viên chính là hai cái tên huyền thoại của điện ảnh Nhật Bản: Toshiro Mifune và Kyoko Kagawa. Với Toshiro Mifune, ông tiếp tục thể hiện chiều sâu nhân vật đáng nể. Nhưng điều đặc biệt nhất ở Toshiro Mifune vẫn là thể hiện sự xáo trộn bên trong tính cách nhân vật. Sự pha lẫn của bi kịch và hài kịch bên trong nhân vật Nishi được Toshiro Mifune khắc hoạ như một con người bị xoay vòng bởi chính mục đích và lý tưởng của mình. Toshiro Mifune không chỉ thể hiện rõ những cảm xúc yêu và ghét, tức giận và nhẹ nhàng, ông thể hiện những cảm xúc đó như từng cặp đối lập: yêu/ghét, tức giận/nhẹ nhàng. Nishi của Toshiro Mifune không chỉ đơn giản được dẫn dắt bởi lòng hận thù. Nishi là một nhân vật phức tạp và chứa đựng cái nhìn về lòng hận thù dưới góc độ nhân văn. Nishi muốn trả thù những con người độc ác đã giết chết cha mình, nhưng anh lại vô tình trở thành một con người độc ác và tàn nhẫn như kẻ thù của mình. Nishi muốn lấy nỗi tức giận làm vũ khí của mình, nhưng lại bị chính tình yêu của bản thân đánh bại. Kyoko Kagawa thể hiện người vợ của Nishi, vốn chỉ là một công cụ cho kế hoạch của Nishi. Dù không có nhiều đất diễn, nhưng Kyoko Kagawa vẫn thể hiện tốt khả năng mà cô luôn rất giỏi: kịch tính trong những giây phút quan trọng nhất. Tại thời điểm The Bad Sleep Well ra mắt, Kyoko đã là gương mặt được hâm mộ rộng rãi của điện ảnh Nhật Bản. Trong The Bad Sleep Well, Kyoko rất thành công trong những cảm xúc buồn và thất vọng, vốn là thế mạnh của cô. Dù không phải là trọng tâm của đầu và giữa phim, diễn xuất của Kyoko lại rất có hiệu quả trong cái kết phim. Sự sụp đổ của một người vợ được Kyoko thể hiện thành công đã tạo nên một trong những cái kết đen tối và bi kịch nhất trong những tác phẩm của Akira Kurosawa.

Screenshot (124)

Screenshot (139)

Dù không được nhiều người biết đến, The Bad Sleep Well là một trong những bộ phim hoàn thiện nhất của Akira Kurosawa. Mỗi lựa chọn của ông đều chính xác, từ câu chuyện, hình ảnh cho đến diễn viên. Trong suốt sự nghiệp của mình, Akira chỉ thực hiện 3 tác phẩm thuộc thể loại film noir là The Bad Sleep Well, High And Low, và Stray Dog. Nhưng The Bad Sleep Well thật sự thể hiện tài năng của Akira không chỉ dừng lại ở những tác phẩm quen thuộc với khán giả, với bối cảnh Nhật Bản cổ và thể loại samurai. The Bad Sleep Well cho thấy rằng dù nhân vật của Akira va chạm với nhau trên thương trường thay vì trên chiến trường, trong thời kỳ hiện đại khủng hoảng của Nhật Bản thay vì thời kỳ phong kiến cổ, họ vẫn có khả năng tạo ra những câu chuyện rất đáng xem. Akira luôn thích bi kịch, và The Bad Sleep Well là một trong những câu chuyện bi kịch rất đáng nhớ trong việc miêu tả con người như một tập hợp của những sự trái ngang đến đáng sợ: con người càng xấu xa bao nhiêu, sẽ càng ngủ ngon bấy nhiêu.

 

12 Angry Men Review

Với nhiều người, 12 Angry Men là một bộ phim đáng nhớ với bối cảnh về một phiên tòa, khi 12 người đàn ông cùng nhau quyết định số phận của một thanh niên. 12 người  không hề quen biết nhau vô tình gặp mặt với tư cách là những thành viên bồi thẩm đoàn trong một vụ án giết người. Hung thủ là một chàng trai trẻ, không nói tiếng Anh được tốt, đã ra tay giết hại cha mình bằng một con dao. 12 Angry Men, không như những tác phẩm khác trong thể loại chính kịch, nói về sự lựa chọn đúng sai của con người. 12 Angry Men là bộ phim vĩ đại vì nó nói lên sự thật rằng con người đôi lúc không hề biết được nguồn gốc của đúng và sai đến từ đâu. Vì 11 người đã đồng ý rằng chàng thanh niên có tội, và 1 người lại bỏ phiếu vô tội.

Screen Shot 2019-03-22 at 9.51.55 PM

Đó gần như là tất cả những gì khán giả sẽ được xem trong suốt bộ phim vốn chỉ nằm vỏn vẹn trong một căn phòng khóa kín. 12 người đàn ông với độ tuổi, xuất thân, và đương nhiên là nhận định khác nhau, ngồi lại và bàn bạc xem liệu chàng thanh niên có đáng nhận án tử hình, với một vụ án mà hung khí, nhân chứng, và tình tiết đều thể hiện chắc chắn rằng anh có tội. Phim gây bất ngờ ngay từ sớm vì sau khi khéo léo cho khán giả biết những chi tiết xoay quanh vụ án, 11 người đồng ý cho tội danh mưu sát, nhưng lại có 1 người không đồng ý.

Phim có nội dung tương tự với tác phẩm kinh điển Rashomon, nhưng 12 Angry Men làm tốt hơn trong phương pháp thực hiện cốt truyện. Thứ nhất, mặc dù cả hai tác phẩm đều miêu tả về một tội ác có thể được bẻ cong theo nhận định của từng người, 12 Angry Men sớm cho khán giả biết được sự thật điều gì đã xảy ra. Rashomon miêu tả một tội ác dưới những cái nhìn hoàn toàn khác nhau, và khán giả gần như không thể biết được điều gì là thật sự xảy ra. Nhưng với 12 Angry Men, khán giả sớm biết được điều gì là sự thật ngay từ sớm. Điều đó dẫn tới điều thứ hai mà 12 Angry Men làm tốt hơn Rashomon, thậm chí là những tác phẩm khác: thuyết phục khán giả.

Screen Shot 2019-03-22 at 9.54.28 PM

Khi người duy nhất trong bồi thẩm đoàn tin rằng quyết định có tội là đáng nghi ngờ, ông đã cố gắng dùng lí lẽ và những dự đoán để thuyết phục 11 người còn lại. Người này, vốn là một kiến trúc sư, ban đầu xuất hiện rất bí ẩn. Người xem không thể biết được tại sao ông lại muốn phủ nhận một sự thật có vẻ hiển nhiên về tội ác của chàng thanh niên. Và đây là lúc bộ phim cho thấy chiều sâu trong câu chuyện. Hóa ra, người xem cũng giống như những bồi thẩm đoàn trong phim, không chứng kiến tận mắt lúc tội ác xảy ra. Khán giả khi xem phim, cũng giống như 11 người trong bồi thẩm đoàn, chỉ biết về vụ án xoay quanh những lời khai của những nhân chứng. Cho tới khi người kiến trúc sư cho rằng ngay cả những bằng chứng và nhân chứng cũng có thể phạm sai lầm, tất cả mới dần dần bị thuyết phục.

12 Angry Men rất khéo léo trong việc tạo ra một câu chuyện vừa đủ thuyết phục người xem với những định kiến từ sớm, và dần dần khi 12 người đàn ông cùng nhau khám phá từng chi tiết trong bằng chứng và nhân chứng, những sai sót trong vụ án, dù là rất nhỏ, nhưng cũng thể hiện rằng vụ án không hề đơn giản như ban đầu.

Screen Shot 2019-03-22 at 10.38.05 PM

12 Angry Men luôn được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của điện ảnh Mỹ và thậm chí là cả thế giới. Tại sao lại là quan trọng? Vì nếu không có 12 Angry Men, những nhà làm phim sẽ không bao giờ nhận ra tầm ảnh hưởng của câu chuyện trong phim hoàn toàn không có giới hạn trong việc tương tác với khán giả. Nếu không có 12 Angry Men, những nhà làm phim sẽ không can đảm tạo ra những câu chuyện thách thức khán giả theo cách tạo ra định kiến, và rồi lại bắt khán giả phải chấp nhận rằng định kiến của mình là sai. Nếu không có 12 Angry Men, những nhà làm phim sẽ mãi đi dần vào lối mòn của việc cố gắng tạo ra một bộ phim đáng nhớ với khán giả chỉ bằng những nhân vật thường thấy, những hành động và tâm lý thường thấy. 12 Angry Men đã mãi mãi thay đổi điện ảnh bằng việc cho thấy một câu chuyện đáng nhớ không phải là câu chuyện khán giả có thể dễ tiếp cận, mà là một câu chuyện mà khán giả có thể phản đối, đánh giá, và thay đổi những suy nghĩ, cảm xúc của mình, từ khi phim bắt đầu cho tới kết thúc.

Screen Shot 2019-03-22 at 11.03.51 PM

Đó luôn là điều mà 12 Angry Men mở ra cho những nhà làm phim, nhất là trong thể loại chính kịch. Bên cạnh đó, những nhân vật của 12 Angry Men là một đặc trưng cho thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật rất hay. 12 người đàn ông của bồi thẩm đoàn đều có những tính cách khác biệt. Mỗi người, dù đồng ý với nhau về một quan điểm, lại có từng cách nhìn khác nhau. Cách họ nhìn sự thật, tội ác lại bị bẻ cong quá nhiều bởi tính cách, quan điểm, và những trải nghiệm trong cuộc sống. 12 người, vốn được chọn để nhằm đưa ra lựa chọn một cách công bằng nhất, một lựa chọn sẽ quyết định cái chết của một chàng thanh niên mà họ không hề quen biết, dần dần lại trở thành 12 người ích kỉ và chỉ muốn dành chiến thắng cho bản thân mình. Mỗi nhân vật đều rất nổi bật và đáng xem, và không hề có nhân vật phụ và chính, vì mỗi người dù có ích kỉ với lựa chọn của bản thân, nhưng họ không ngu ngốc, ngược lại, họ rất thông minh trong việc đưa ra lí lẽ cho lựa chọn của mình. Trong số họ, có người kiên quyết, có người lại dễ thay đổi, có người tập trung, cũng có người không hề quan tâm tới vụ án.

Screen Shot 2019-03-22 at 11.16.55 PM

Mỗi nhân vật không được xếp một cách hoàn toàn là chính diện hay phản diện. Tuy nhiên, phim mở ra một xu hướng xây dựng nhân vật kinh điển khi thể hiện rõ hai chiều hướng trái ngược nhau trong quan niệm sống của mỗi người. Trong số 12 người, người kiến trúc sư phải một mình chứng minh lí lẽ của mình là đúng, trong đó có hai người mà ông khó thuyết phục nhất. Trái với người kiến trúc sư lấy sự tốt bụng để cố gắng suy xét kỹ mạng sống của tội phạm, trong hai người đối đầu, một người giỏi trong việc sử dụng logic, và một người giỏi trong việc giữ vững lập trường bằng tính cách ngoan cố của mình. Phim rất khéo léo khi không thể hiện người nào đúng hay sai, người nào giỏi hay kém thông minh. Phim cho thấy cả ba người, dù có cách của riêng mình, vẫn bám chặt lấy quan niệm của bản thân. 12 Angry Men lấy câu chuyện xung quanh về tội ác, nhưng lại thể hiện rõ không có ai là có quan niệm sai, chỉ là mỗi người có quan niệm riêng của mình, đó mới là điều quan trọng. 11 người đồng ý rằng người thanh niên có tội, không có nghĩa là 11 người đó có quan niệm sai. Và ở hướng ngược lại, người kiến trúc sư cũng không sai khi chỉ một mình anh nghĩ khác đi. Mỗi người đều sử dụng định kiến để vạch ra quyết định của mình, và đều dùng logic để bảo vệ lý lẽ.

Screen Shot 2019-03-22 at 10.52.31 PM

Screen Shot 2019-03-22 at 9.53.25 PM

Screen Shot 2019-03-22 at 11.23.18 PM

Bề ngoài, 12 Angry Men là một bộ phim đơn giản, với chỉ là những câu thoại nối tiếp những câu thoại, bối cảnh chỉ vỏn vẹn trong một căn phòng. Nhưng phim lại rất sâu sắc dần dần về cuối phim. Khi cả 12 người cùng ngồi lại và suy xét kỹ, dù vẫn có những bất đồng, họ dần dần khám phá ra thêm những tình tiết mới của vụ án. Và kết quả người thanh niên có thật sự có tội? Điều đó không quan trọng, điều quý giá nhất 12 người khám phá không phải là sự thật của vụ án, mà là về bản thân họ. Họ khám phá rằng khi bản thân có thể bỏ qua định kiến và chính bản thân mình để suy xét kỹ, họ có thể tìm thấy được nhiều điều hơn.

Screen Shot 2019-03-22 at 11.21.57 PM

Dù là một bộ phim không quá dài và đơn giản về mặt bối cảnh, nhưng phim không nhàm chán về mặt hình ảnh. Trái lại, 12 Angry Men có nghệ thuật hình ảnh xứng đáng được xếp vào mực độ hoàn hảo. Phim không dùng hình ảnh đẹp, hoa mỹ hay choáng ngợp nhằm gây ấn tượng. Mà là sự khéo léo đến kinh ngạc trong nghệ thuật quay phim. Nếu so sánh với một bộ phim có lời thoại là chủ yếu trong hiện đại, phim sẽ sử dụng cut lần lượt vào nhân vật khi người đó nói chuyện. Điều đó sẽ trở nên nhàm chán rất nhanh. Điều khéo léo ở 12 Angry Men là việc nhà làm phim chọn lựa góc độ chính xác và lens máy quay phù hợp và gộp cả 12 người vào một khung hình. Đôi lúc chúng ta sẽ được thấy 12 người với 12 tính cách khác nhau trong cùng một cảnh. Đôi lúc đó là 11 người nhìn thẳng vào 1 người khi người đó nói điều gì đó bất ngờ. Đôi lúc 12 người lại đứng lên, người thì dùng khăn tay lau mặt, người thì uống nước, người thì đi lại, và 12 hành động đều khác nhau. Tất cả đều được sắp xếp một cách hợp lý, và điều này rất khó để thực hiện. Căn phong trong bối cảnh chính của phim không rộng lắm, và không có nhiều vật dụng cho những nhân vật tương tác. Trái lại, mỗi nhân vật tương tác bằng những cử chỉ của bản thân và tiếp xúc với người bên cạnh. Khi xem phim, người xem có thể cảm thấy phim cho phép sự tự do hoạt động của diễn viên, khi trong một phân cảnh, một người có thể đột ngột đứng lên và đi lại, người khác lại hướng đến sát gần người ngồi bên. Nhưng thật ra tất cả những điều đó đều được sắp xếp. Từ bố cục, hướng di chuyển, hướng nhìn của từng nhân vật đều được thiết kế và lên kế hoạch sao cho phù hợp nhất với bối cảnh căn phòng, và quan trọng hơn, là tình tiết của câu chuyện. Khi những tình tiết trở nên căng thẳng hơn, phim rất khéo khi ghi lại được chính xác khoảnh khắc 12 người va vào nhau và tranh cãi quyết liệt. Một nghệ thuật hình ảnh hay là nghệ thuật tôn vinh diễn xuất của người diễn viên. 12 Angry Men sử dụng sự sắp xếp khéo léo của hình ảnh và tạo ra không gian cho những diễn viên có thể tự phát triển cử chỉ, hành động, giọng nói, và ánh mắt cho từng nhân vật riêng biệt. Và khi một người chợt nghĩ ra một tình tiết mới, hay một bằng chứng mới được phát hiện, thật bất ngờ, phim lại thay đổi lens máy quay, và phóng gần vào người đó hoặc bằng chứng đó.

Screen Shot 2019-03-22 at 11.07.30 PM

Screen Shot 2019-03-22 at 10.50.33 PM

Screen Shot 2019-03-22 at 10.13.00 PM

Screen Shot 2019-03-22 at 11.07.04 PM

Screen Shot 2019-03-22 at 11.38.08 PM

Những gì chúng ta được thấy trong 12 Angry Men là những gì mà điện ảnh đạt được khi nó ở hình dạng chân thật nhất của nó. Vì một bộ phim không thể trở thành cuộc sống thật, khi mà chúng ta chỉ nhìn thấy phản ứng của từng người riêng lẽ. Một bộ phim hay sẽ là một bộ phim dùng hình ảnh để cho thấy rằng người xem đang bước vào thế giới của điện ảnh. Và khi khán giả thấy được 12 người trong một cảnh, đó không phải là sự rối rắm, đó là ý nghĩa của toàn câu chuyện: 12 con người, 12 tính cách, 12 cuộc đời khác nhau cùng va chạm vào nhau.

Screen Shot 2019-03-22 at 11.46.33 PM

Rất khó để có thể định nghĩa được một tác phẩm hoàn hảo. Nhưng 12 Angry Men có thể được xem là một trong số ít những tác phẩm hoàn hảo vì nó đạt được hiệu ứng tối đa của mỗi yếu tố. Câu chuyện, nhân vật, diễn xuất, hình ảnh, tất cả đều được thể hiện tốt nhất. Nhưng 12 Angry Men còn là một trong những tác phẩm quan trọng nhất kể từ khi con người biết đến điện ảnh. Vì nó cho thấy hiệu ứng của điện ảnh mà chưa bao giờ được biết đến, nó cho thấy điện ảnh có thể làm được gì, và bằng cách nào. Một tác phẩm hay sẽ cho chúng ta thấy được cuộc sống trong những cảnh phim. Nhưng một tác phẩm vĩ đại sẽ cho chúng ta thấy những điều chưa bao giờ được thấy về cuộc sống.

A Chinese Ghost Story

“Nếu nàng không còn sống, ta cũng nên là ma.”

Điện ảnh châu Á là một trong những nơi ra đời dòng phim kinh dị sớm nhất. Những quốc gia giàu văn hóa như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sở hữu một kho tàng câu chuyện, nhất là những câu chuyện rùng rợn mà cho đến nay vẫn rất được nhiều người yêu thích. Khác với văn hóa phương Tây, những quốc gia châu Á lưu giữ những câu chuyện hay bằng phương thức truyền miệng là chủ yếu, những câu chuyện dân gian, và vì vậy những nhân vật và những điều rùng rợn đi kèm đa phần bắt nguồn từ chính đời sống hằng ngày. Điều đó giúp mỗi câu chuyện nếu được xây dựng một cách hợp lý, có thể tồn tại rất lâu.

Nếu xét riêng về phim kinh dị Hong Kong, đây là nền điện ảnh đóng góp rất nhiều vào việc phát triển dòng phim kinh dị trở nên nổi tiếng hơn. Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, đây là nơi tạo ra rất nhiều những tác phẩm kinh dị trong thời điểm người châu Á chưa biết nhiều tới sự xuất hiện của thể loại này trên màn ảnh. Nhưng mãi cho tới A Chinese Ghost Story của năm 1987, điện ảnh Hong Kong mới cho thấy người châu Á sợ điều gì nhất.

Thập niên 80 đương nhiên là thời kỳ mạnh mẽ nhất của phim kinh dị tại Hong Kong, với rất nhiều tác phẩm mang nhiều yếu tố kỳ dị và gây ảo giác mạnh. A Chinese Ghost Story lựa chọn câu chuyện Thiện Nữ U Hồn trong tập truyện kinh điển Liêu Trai Chí Dị, tuyển tập truyện kinh dị lâu đời của văn học Trung Quốc. Vì vậy, A Chinese Ghost Story mang cốt truyện đơn giản điển hình của những câu chuyện dân gian, và Thiện Nữ U Hồn là một trong những câu chuyện cổ xưa và hay nhất trong tập truyện này. A Chinese Ghost Story kể về câu chuyện của Ninh Thái Thần, đến thu thuế nhưng do sổ ghi nợ bị ướt, anh không có tiền để về nhà, và phải vào ngủ tạm tại một ngôi miếu cổ mà cả làng không ai dám đến. Tại đây vốn tồn tại hồn ma của cô gái trẻ Nhiếp Tiểu Thiện, do bị hồn ma ngàn năm tại rừng nắm giữ linh hồn, cô phải mê hoặc những chàng trai trẻ và hút linh khí cho hồn ma ngàn năm. Hai người gặp mặt, và có tình cảm với nhau.

A Chinese Ghost Story trung thành với câu chuyện “Thiện Nữ U Hồn” theo cách xuất sắc, và là bộ phim bắt đầu cho phong cách chuyển thể truyện kể dân gian cho phim kinh dị vẫn còn tiếp tục cho tới nay. Phim sử dụng lối kể chuyện tối giản nhưng hiệu quả, không quá nhiều nhân vật, và liên tục trong quá trình xây dựng tình tiết. Phim không dài, không chậm chạp, và nửa đầu phim sẽ khiến người xem cảm giác được sự thiếu đầu tư của một cốt truyện kinh dị, và tự hỏi “Đơn giản vậy sao?”. Nhưng ở nửa phần sau, phim tạo ra nhiều thử thách mới cho cặp đôi Ninh Thái Thần và Nhiếp Tiểu Thiện, từ việc cố gắng giải cứu cô gái khỏi hồn ma ngàn năm, cho tới việc mang cô từ Âm Phủ và tái sinh cho một cuộc sống mới.

Thiện Nữ U Hồn vốn là câu chuyện đã quá quen thuộc với văn hóa Trung Quốc, nhưng được thấy nó trên màn ảnh thật sự là một trải nghiệm đặc biệt, ngay cả khi phim được xem vào thời kỳ hiện đại, khi mà rất nhiều phim kinh dị theo chủ đề tương tự đã được ra mắt. Nhờ vào việc trung thành với yếu tố văn hóa dân gian, A Chinese Ghost Story biến câu chuyện dân gian đưa người xem vào thế giới kỳ ảo và cổ xưa. Từ lối xây dựng nhân vật khờ khạo và nhát gan của Ninh Thái Thần, cho tới hình ảnh những hồn ma, đạo sĩ, và những yếu tố tâm linh như tái sinh cho linh hồn, chuyến đi tới Âm Phủ, và hủ tục Minh Hôn (Đám cưới ma) trong văn hóa cổ xưa. Điều này phần nào đó cũng cho thấy thể loại phim kinh dị đã thay đổi nhiều. A Chinese Ghost Story là một ví dụ cho phong cách làm phim mạnh tay, chứa nhiều hình ảnh kích thích mạnh. Trong phim kinh dị hiện đại, tất cả chỉ còn là những màn hù doạ.

Với những yếu tố như vậy, A Chinese Ghost Story là một tác phẩm lớn cho sự thành công của điện ảnh kinh dị Hong Kong vào những năm 80. Tương tự như những tác phẩm khác, A Chinese Ghost Story không ngần ngại trong việc từ chối sở thích và xu hướng của người xem. Phim can đảm mang đến một thế giới rất kỳ lạ và gần như chưa được biết đến với đa số nhiều người.

Nhưng nhờ vào cốt truyện đơn giản, và sự xen lẫn nhưng yếu tố hài hước xuyên suốt phim, A Chinese Ghost Story không hề thử thách người xem trong việc tiếp cận. Một khi cảm giác A Chinese Ghost Story là một bộ phim đáng để xem, phần thưởng cho mọi người thật sự rất lớn. Thế giới kì lạ của “Thiện Nữ U Hồn” được thể hiện xuất sắc qua phong cách hình ảnh đẹp, nhiều chất thơ, nhưng cũng rùng rợn không kém. Phim sử dụng ánh sáng đặc biệt hiệu quả trong việc thể hiện những hình ảnh kỳ ảo. Giống như những tác phẩm cùng thời, phim sử dụng kỹ xảo thực tế là chủ yếu, và rất khéo léo trong việc tạo nên những hình ảnh đáng xem, chẳng hạn như hồn ma ngàn năm hay con quỷ dưới Âm Phủ. Những hình ảnh đẹp của phim được tận dụng cho những giây phút cao trào, rùng rợn, và lãng mạn nhất của câu chuyện, thay vì chỉ được sử dụng làm cảnh như đa số những phim kinh dị hiện đại.

Đáng tiếc một điều, do cốt truyện vốn được kể nhanh và ngắn, cộng với việc sử dụng yếu tố thị giác nhiều, nên phim chưa cho thấy nhiều vẻ đẹp diễn xuất. Ngôi sao huyền thoại Trương Quốc Vinh thể hiện rất tốt nhân vật Ninh Thái Thần, một chàng trai khờ và si tình, vốn là kiểu nhân vật mà diễn viên quá cố từng thể hiện rất nhiều. Đại mỹ nhân châu Á Vương Tổ Hiền gây bất ngờ rất lớn khi biến đổi vẻ đẹp của cô trong dáng vẻ một hồn ma, vừa là một vẻ đẹp mờ ảo, mê hoặc, nhưng cũng có điều gì đó lãng mạn. Đây là vai diễn đã đưa cô trở thành một cái tên cuốn hút trong điện ảnh châu Á.

Dù mỗi nhân vật chưa được thể hiện nhiều, nhưng với những tình tiết tập trung sâu vào mối quan hệ hai người, A Chinese Ghost Story lại rất thành công trong việc khai thác mối tình trái ngang nhưng lại nhiều cảm xúc giữa người với ma. Phim mô tả mối tình này thành công đến nỗi đã mở ra con đường cho nhiều tác phẩm kinh dị sau này tiếp tục.

Chắc chắn A Chinese Ghost Story không phải là tác phẩm đầu tiên thành công trong thể loại kinh dị châu Á. Thế nhưng, hoàn toàn có thể khẳng định đây là tác phẩm mở đường cho phương pháp làm phim kinh dị đặc trưng của điện ảnh hiện đại Hong Kong. A Chinese Ghost Story là tác phẩm đi đầu trong việc sử dụng thế giới kỳ lạ và đầy ám ảnh với một câu chuyện dân gian quen thuộc. Nhưng bất ngờ khi A Chinese Ghost Story, dù sở hữu rất nhiều hình ảnh rùng rợn, đến cuối cùng lại nói đến tình cảm giữa những tâm hồn, dù ở hai thế giới khác nhau, lại là một điểm sáng đẹp và cảm động trong một thế giới u ám. Điều đó lại cho mỗi người suy nghĩ rằng có thể tình cảm không được tạo ra chỉ dành cho sự an ủi trong mỗi con người, mà còn dành cho việc thắp sáng một cuộc sống nhiều góc khuất, nơi người và ma quỷ không hẳn là khác biệt nhiều.


 

Stephen Chow’s Kung Fu Hustle

Nếu bạn đã từng may mắn được xem một tác phẩm của danh hài Charlie Chaplin, chắc hẳn bạn sẽ không quên tài năng diễn xuất mang tính giải trí cao nhưng cũng đầy duyên dáng của ông. Một điều mà ít người biết về Charlie Chaplin chính là ông không chỉ là một diễn viên hài tài năng, mà còn là một nhà làm phim có phong cách làm phim sáng tạo và mang tính cách mạng trong suốt thời kỳ phim câm. Charlie luôn có khả năng tạo ra những câu chuyện đột phá so với thời bấy giờ, và đồng thời mang đến rất nhiều cảm xúc bằng cách tập trung vào mối quan hệ giữa con người với nhau. Nếu so sánh Stephen Chow- Châu Tinh Trì với Charlie Chaplin thì có lẽ sẽ có nhiều người nổi giận. Nhưng giống như Charlie, Châu Tinh Trì là một diễn viên hài tài năng với sự nghiệp trải dài và thành công suốt những năm 90. Sau đó, thế giới điện ảnh châu Á được thấy một hình ảnh mới của Châu Tinh Trì, một nhà làm phim tài năng có khả năng khéo léo tạo ra những câu chuyện sáng tạo, nhưng lại dễ đi vào lòng người và khơi gợi những cảm xúc. Và cũng giống như Charlie Chaplin, Châu Tinh Trì chắc hẳn là tuổi thơ của rất nhiều người.

Đa số những người đã từng xem qua phim của ông sẽ cảm nhận sự hài hước mang tính giải trí cao, có nhiều nét phóng đại, và không mang nhiều vẻ đẹp nghệ thuật. Nhưng điều đó là hoàn toàn sai. Một điểm mạnh của Châu Tinh Trì là khả năng khai thác câu chuyện sáng tạo dưới góc nhìn lạ lùng. Hãy cùng tạm bỏ qua sự kết hợp giữa võ thuật và bóng đá trong Shaolin Soccer mà cùng nhau nhìn vào vẻ đẹp võ thuật rất mới mẻ trong Kung Fu Hustle.

Screen Shot 2019-03-08 at 12.29.45 AM.png

Kung Fu Hustle là một bộ phim thuộc thể loại võ thuật kết hợp với hài hước. Chúng ta được thấy một băng đảng tên “Băng Lưỡi Búa” giết người, cướp bóc. Chúng ta được thấy những cao thủ võ thuật sống ẩn dật dưới hình ảnh một người bình thường. Và chúng ta được thấy một anh chàng mong muốn trở thành một tay giang hồ cao cường, dù anh chỉ là một tên không tài không võ. Họ vô tình bị cuống vào những màn đấu đá lẫn nhau. Trong số đó, có những thước phim rất hành động và bạo lực. Lại có những thước phim rất hài hước đặc trưng của Châu Tinh Trì. Phong cách hài hước của phim vẫn rất quen thuộc với những khán giả yêu thích phim Châu Tinh Trì, nó quá đà, nó phóng đại, nó ngu ngốc, nhưng lại rất duyên dáng. Khả năng hài hước của Châu Tinh Trì rất có nhiều nét tương đồng với huyền thoại Buster Keaton, với việc sử dụng sự hài hước trong hành động chủ yếu nhiều hơn trong biểu cảm gương mặt của từng nhân vật. Cách Châu Tinh Trì sắp xếp không gian mỗi cảnh quay, cách từng nhân vật tương tác với nhau, tạo nên rất nhiều sự hài hước chân thật nhất mà không cần quá nhiều lời thoại, hay diễn xuất quá lố.

Screen Shot 2019-03-07 at 11.21.46 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 10.46.54 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 11.58.49 PM.png

Screen Shot 2019-03-07 at 11.43.00 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 11.25.29 PM

Kung Fu Hustle là một bộ phim đáng để mỗi người xem lại nhiều lần, và cùng lớn lên với nó. Cá nhân tôi cũng vậy, khi lần đầu xem Kung Fu Hustle lúc còn nhỏ, tôi thích phim rất nhiều ở phong cách hài hước khéo léo hiếm có, với cách Châu Tinh Trì dẫn dắt người xem vào sự hài hước một cách chậm rãi, thông minh, và đáng nhớ. Khi sau này xem lại Kung Fu Hustle, tôi thích bộ phim ở câu chuyện của nó. Về cơ bản, Kung Fu Hustle là một câu chuyện giữa thiện và ác. Trong một lần chạm trán với khu nhà nghèo tên “Phố Mỗ Heo”, băng đảng “Lưỡi Búa” bị đánh bại bởi ba cao thủ võ thuật ẩn danh tại khu nhà này. Họ quyết định kêu gọi thêm hai cao thủ khác và quay lại trả thù, giết chết ba cao thủ “Phố Mỗ Heo”. Nhưng một lần nữa, họ bị đánh bại bởi hai cao thủ khác, chính là cặp vợ chồng chủ đất sở hữu khu “Phố Mỗ Heo.”

Screen Shot 2019-03-07 at 11.58.06 PM

Những lần chạm trán liên tục không chỉ là những tình tiết hấp dẫn về mặt hành động trong câu chuyện, mà còn khắc họa nên những nhân vật đặc biệt và hài hước trong thể loại võ thuật vốn dễ bị nhàm chán. Khác với hình ảnh những cao thủ trong thể loại võ thuật, Kung Fu Hustle mang lại những nhân vật mà người xem không thể tưởng tượng được. Cặp vợ chồng chủ đất, với người vợ thân hình vạm vỡ, suốt ngày mắng chửi, và người chồng suốt ngày phải chịu đòn từ người vợ, hóa ra lại là bộ đôi anh hùng huyền thoại. Sau khi bị đánh bại một lần nữa, băng đảng “Lưỡi Búa” quyết định tìm đến cao thủ giỏi nhất của võ thuật, người đã là bậc thầy của những môn võ trong lịch sử.  Trong suốt những lần chạm trán, anh chàng bất tài tầm thường do Châu Tinh Trì thủ vai liên tục bị cuốn vào những rắc rối. Điểm đặc biệt của câu chuyện trong phim là mỗi nhân vật đều vô tình bị cuốn vào những mâu thuẫn với nhau. Họ không tự lựa chọn con đường cho mình, họ không tự lựa chọn giết hoặc bị giết, họ đều muốn sống một cuộc sống bình thường, và rồi câu chuyện xoáy quanh họ và cuối cùng quyết định số phận mỗi người. Đó là những vẻ đẹp của một câu chuyện hay và sáng tạo. Châu Tinh Trì tạo nên một câu chuyện khá xa lạ với thể loại võ thuật, nhưng lại vẫn mang đến tinh thần của võ thuật, của thiện và ác, những điều có thể định đoạt kết cục một con người theo cách không thể ngờ tới.

Screen Shot 2019-03-07 at 11.17.42 PM

Một điều đặc trưng nữa của câu chuyện do Châu Tinh Trì tạo ra là nó trung thành với văn hóa phương Đông rất nhiều. Với thể loại võ thuật, Kung Fu Hustle nêu cao lý tưởng cá nhân hóa, về hình ảnh một người anh hùng có thể đến từ bên trong những con người bình thường. Kung Fu Hustle không quá đặc sắc trong việc khắc họa nhân tính, và bộ phim cũng không cần phải làm thế. Kung Fu Hustle rất đáng xem nhờ vào câu chuyện xoay quanh lựa chọn của mỗi con người lại chính là những gì sẽ định nghĩa họ là ai. Mỗi nhân vật trong Kung Fu Hustle là một người anh hùng của riêng họ, với những lý tưởng khác nhau. Với đôi vợ chồng chủ đất, họ muốn sống ẩn dật vì không muốn chạm tới võ thuật theo cách bạo lực nữa. Với vị cao thủ giỏi nhất của võ thuật, ông quyết định vào viện tâm thần ở vì không thể tìm được người có thể sánh ngang với mình. Với chàng trai bất tài vô dụng, anh luôn nghĩ thành công chỉ đạt được bằng nỗi sợ của những người khác đối với mình. Vào kết thúc phim, Kung Fu Hustle không nói lên lý tưởng nào là đúng và đáng trân trọng, mà chỉ nói lên hình ảnh thuần khiết nhất của tính anh hùng thật ra nằm ở số phận của mỗi người. Đôi lúc, mỗi người anh hùng đã được số phận lựa chọn. Điều đó lại chính là ý nghĩa hài hước của cả bộ phim, một sự hài hước có phần trớ trêu.

Screen Shot 2019-03-07 at 11.01.45 PM

Screen Shot 2019-03-08 at 12.11.16 AM

Ở giai đoạn này của sự nghiệp, dù đã trải qua rất nhiều tác phẩm thành công không chỉ ở châu Á mà còn ở khắp thế giới, Kung Fu Hustle vẫn cho thấy một nỗ lực rất lớn của Châu Tinh Trì để trở thành một nhà làm phim tài giỏi. Kung Fu Hustle hoàn thành tốt những yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật làm phim: diễn xuất, quay phim, và âm thanh. Với diễn xuất, có thể thấy đây là tác phẩm Châu Tinh Trì hiếm hoi mà Châu Tinh Trì không phải là người nổi bật nhất. Sự hài hước của Châu Tinh Trì vẫn giữ vững hiệu ứng mà nó nên có, cái duyên của anh vẫn rất độc đáo, nhưng với việc sử dụng những gương mặt mới, Kung Fu Hustle trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Đôi vợ chồng chủ đất được thể hiện bởi Nguyên Hoa và Nguyên Thu, hai diễn viên huyền thoại vốn đã nghỉ hưu từ lâu. Diễn xuất của họ rất đáng nể trong khả năng kết hợp tài tình giữa những phần hài hước và những phần cao thủ. Dù Châu Tinh Trì cũng rất đáng xem trong phim, nhưng nếu để ý kỹ, người xem sẽ nhận ra những phân đoạn hài hước nhất của phim lại đến từ đôi vợ chồng chủ đất.

Screen Shot 2019-03-07 at 11.51.48 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 11.49.56 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 11.24.24 PM

Với phong cách hình ảnh, sau một “Shaolin Soccer” tập trung vào hành động, Kung Fu Hustle thể hiện tài năng của Châu Tinh Trì trong việc thể hiện những chi tiết sáng tạo mà cũng rất tinh tế. Ông lựa chọn màu sắc tốt, kết hợp nhuần nhuyễn hiệu ứng thực và CGI, và sau một “Shaolin Soccer” quá nhanh về mặt hình ảnh, Châu Tinh Trì đã biết cách chậm rãi hơn và thật sự để chi tiết trở nên nổi bật. Ngay cả với những phân đoạn chạm trán võ thuật, ông biết cách bắt nhịp rất tốt, không để lỡ những cử chỉ nhân vật, và thật sự sắp xếp thiết kế võ thuật theo hướng nhịp nhàng. Ông hiểu rõ nét đặc trưng trong mỗi môn võ của từng nhân vật và điều chỉnh phong cách hình ảnh phù hợp. Lấy ví dụ như ông chủ đất vốn là một cao thủ Thái Cực Quyền, Châu Tinh Trì thể hiện rõ hình ảnh ông tận dụng sự nhẹ nhàng của cơ thể để đánh bại đối thủ, tinh thần đặc trưng của Thái Cực Quyền.

Screen Shot 2019-03-07 at 10.45.02 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 10.52.34 PM

Screen Shot 2019-03-07 at 11.48.43 PM

Screen Shot 2019-03-08 at 12.24.04 AM

Với âm thanh, Châu Tinh Trì lựa chọn phong cách nhạc phim Trung Hoa cổ, với những giai điệu truyền thống được sử dụng nhiều trong thời kỳ điện ảnh xưa tại đất nước này. Những giai điệu truyền thống này vốn được sử dụng rất nhiều trong điện ảnh của thế kỷ 19, thậm chí là thế kỷ 18 tại Trung Quốc, nhưng sau đó lại trở nên hiện đại hóa, và Châu Tinh Trì đã thành công trong nỗ lực sử dụng những giai điệu cũ để khắc họa nên một Thượng Hải những năm 1930. Nhạc phim của Kung Fu Hustle được đánh giá là một trong những nhạc phim đặc sắc nhất của thể loại võ thuật.

Screen Shot 2019-03-08 at 12.25.07 AM

Vào khoảng giữa phim, có một hình ảnh nhân vật của Châu Tinh Trì lúc nhỏ gặp được một lão ăn mày. Lão ăn mày bán cho cậu một quyển bí kíp võ thuật, với lời nói dối rằng lão thấy được tiềm năng của một cao thủ trong cậu, và rồi cậu bé đã về lấy hết tiền dành dụm và mua quyển bí kíp. Và cậu đã không học được gì từ nó. Nhưng đến cuối phim, chúng ta lại thấy một hình ảnh tương tự. Lần này, lão ăn mày bán cho vị cao thủ vĩ đại nhất khi còn nhỏ. Khác với một quyển bí kíp mà lão ăn mày bán cho cậu bé kia, lão bán tới 5 quyển dành cho 5 môn võ mạnh nhất cho cậu bé này. Và hai cậu bé đã lớn lên, với những thân phận khác nhau, một người trở thành kẻ vô dụng, và một người trở thành cao thủ mạnh nhất. Hai người chạm trán nhau, và số phận cả hai thay đổi. Kung Fu Hustle là một tác phẩm đặc biệt khi thể hiện con người với những giây phút như vậy, những giây phút trớ trêu, buồn cười của số phận. Kung Fu Hustle có thể là một tác phẩm hài hước đơn giản, nhưng sự hài hước đó là đặc biệt, là một thành tựu rất lớn của điện ảnh hiện đại, vì nó là tiếng cười trớ trêu về con người.

 

Chungking Express Review: Món Salad Đặc Biệt

Nếu là người yêu điện ảnh châu Á, chắc chắn mọi người đều xem thập niên 90, đặc biệt là giai đoạn sau, là thời kỳ nền điện ảnh châu Á cho ra đời những tác phẩm sáng tạo và nghệ thuật nhất. Sau thời gian kéo dài từ thập niên 70 và 80 của sự pha lẫn nghệ thuật làm phim phương Đông và văn hoá phương Tây, thập niên 90 là sự vươn lên mạnh mẽ hơn của những nhà làm phim châu Á. Từ thể loại hành động với Hard Boiled của Ngô Vũ Sâm, kịch tính với The Mission của Đỗ Kỳ Phong, kinh dị với The Audition của Takashi Miike, cho tới thể loại hài kịch chứng kiến đỉnh cao của Châu Tinh Trì. Tất cả đều cho thấy một bộ mặt sáng tạo của điện ảnh châu Á.

Dù vậy, thể loại chính kịch lại không có nhiều những tác phẩm nổi trội về mặt sáng tạo. Chungking Express là một trong những tác phẩm đáng kể nhất của thể loại này. Tương tự như những nhà làm phim nghệ thuật khác, Vương Gia Vệ mang đến rất nhiều điều mới lạ và phong cách đặc trưng riêng cho Chungking Express, những gì mà cho đến nay vẫn được xem là một trong những vẻ đẹp rất đáng ngưỡng mộ của nghệ thuật phương Đông.

Với Chungking Express, điện ảnh thật sự là một môn nghệ thuật.

Screen Shot 2019-02-10 at 8.56.12 PM

 

 

Vì nghệ thuật là sáng tạo và khi một bộ phim ra đời ở những năm cuối của thế kỷ, đó nên là một nghệ thuật vượt khỏi khuôn khổ và mang tính hiện đại. Bắt đầu với cốt truyện, Chungking Express sử dụng cấu trúc chia đôi, một cốt truyện cho hai câu chuyện khác nhau. Khác với cấu trúc phim lồng phim, hai câu chuyện của Chungking Express dù chia sẻ chung một bối cảnh là tiệm ăn nhanh Midnight Express, nhưng những nhân vật và mối quan hệ của họ lại không có điểm liên quan.

Câu chuyện thứ nhất kể về một anh chàng cảnh sát 223 và một nữ tội phạm ma tuý bí ẩn với mái tóc vàng. Cả hai người đều có tâm trạng buồn, một người vừa chia tay bạn gái, người kia thì đang bị truy lùng, họ vô tình gặp nhau, và vô tình chia sẻ nỗi cô đơn.

Câu chuyện thứ hai kể về anh chàng cảnh sát khác, cảnh sát 663 và cô ngàng Faye làm việc tại quán ăn nhanh Midnight Express. Cảnh sát 663 hằng ngày đến Midnight Express để mua thức ăn cho bạn gái của mình, và khi Faye vô tình gặp anh, cô phải lòng anh.

Chungking4

Screen Shot 2019-02-10 at 11.21.32 PM

Hai câu chuyện, bốn nhân vật, và bốn nỗi cô đơn. Vương Gia Vệ được mệnh danh là đạo diễn của châu Á vì ông hiểu tình cảm của người phương Đông, nó nhút nhát, tế nhị, và đâu đó là hão huyền. Vẻ đẹp của Chungking Express nằm ở chỗ câu chuyện đơn giản, không nhiều nút thắt, nhưng lại nói lên rất nhiều về phương diện tình cảm, những tâm tư, những hy vọng của người phương Đông, điều mà sau này được Vương Gia Vệ thể hiện hoàn hảo trong tác phẩm In The Mood for Love. Trong mỗi câu chuyện, những cặp đôi gặp nhau, nhưng họ không thổ lộ, họ không đến với nhau.

Với cảnh sát 223 và nữ tội phạm, hai người gặp nhau tại quán bar khi cùng muốn uống say để quên đi nỗi cô đơn, và quyết định về cùng nhau. Họ dành cả đêm theo cách riêng biệt: nữ tội phạm ngủ gục đi, còn anh chàng cảnh sát 223 ăn khoai tây chiên, burger, salad, và xem phim cả tối. Họ không ôm nhau để chia sẻ nỗi cô đơn. Họ không trò chuyện, và trước khi nữ tội phạm thức dậy, cảnh sát 223 quyết định giặt giày cao gót giùm cô, vì anh nhớ mẹ anh từng nói rằng người phụ nữ đẹp luôn nên mang một giày đẹp. Và rồi họ không còn gặp nhau nữa.

Với cảnh sát 663 và Faye, sau khi bạn gái cũ của anh gửi Midnight Express giao lại cho anh chìa khoá nhà, Faye bắt đầu quan tâm anh mỗi ngày. Mỗi buổi trưa, Faye giả vờ đến quán cơm anh thường ăn, và lẻn vào nhà anh, dọn dẹp, trang trí, và thậm chí là sửa sang lại căn nhà nhỏ. Cô không thổ lộ, và khi cảnh sát 663 quyết định hẹn hò với cô, cô lại quyết định rút lui.

Screen Shot 2019-02-10 at 10.07.40 PM

Tình cảm phương Đông luôn như vậy, đau khổ và khó khăn khi yêu nhau không là gì so với những vách ngăn khi mới bắt đầu. Mỗi nhân vật đều bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn, nỗi thất vọng, và nỗi sợ phải tiến tới trong chuyện tình cảm. Khi cảnh sát 223 chia tay bạn gái vào ngày 1 tháng 4, anh quyết định mỗi ngày sẽ mua một hộp dứa ăn liền (vì bạn gái anh thích dứa) trong suốt một tháng, và nếu tới hộp dứa cuối cùng mà hai người không thể quay lại, anh sẽ coi như tình yêu của họ đã hết hạn, giống như hạn sử dụng trên mỗi hộp dứa vậy.

Khi chia tay bạn gái, cảnh sát 663 dù luôn thể hiện mình là người cứng rắn, tỉnh táo, nhưng mỗi khi ở nhà, anh lại nói chuyện những đồ vật trong nhà, chăm sóc mỗi thứ của như tất cả cũng buồn theo mối tình của anh. Anh phơi khăn và khi bị mưa ướt, anh lại dỗ dành cái khăn rằng đừng khóc theo anh.

Mỗi ngày âm thầm lẻn vào căn nhà của cảnh sát 663 là một ngày tận hưởng của Faye. Cô mang theo CD bài hát khi hai người lần đầu gặp nhau, và vừa dọn dẹp, vừa nhảy theo nhạc. Cô mua cá, mua gối, chăn thay cho anh. Cô treo hình lúc nhỏ của anh lên gương. Và cô dùng kính lúp để xem xem trên giường của anh có một sợi tóc con gái nào không. Dù âm thầm, nhưng cô vui và hạnh phúc với mỗi giây phút như vậy.

Screen Shot 2019-02-10 at 11.20.49 PM

Dù những chi tiết như vậy là rất sáng tạo và rất mới trong thể loại chính kích vốn sướt mướt và chậm chạp, nhưng tôi nghĩ rằng bất cứ khán giả nào, nhất là người phương Đông, đều cảm thấy đồng cảm. Đồng cảm với những đau khổ triền miên, với những giới hạn trong một mối quan hệ, và với cả những hy vọng cao xa về một mối tình mới.

Những gì Vương Gia Vệ thể hiện là rất mới trong một câu chuyện tình cảm. Nó mang tính hiện đại trong cấu trúc và cách tiếp cận câu chuyện, vì cả hai câu chuyện đều ngắn chứ không dài lê thê như những câu chuyện tình cảm khác, nhưng lại mang lại rất nhiều cảm xúc đẹp cho người xem, dù đó là cảm xúc buồn hay vui. Khi xem phim, người xem sẽ cảm giác rằng câu chuyện cực kỳ đơn giản. Vương Gia Vệ thật ra chỉ viết câu chuyện thứ hai trong vòng một ngày. Sự đơn giản đạt được là nhờ vào việc viết nhân vật dựa trên văn hoá, và từ văn háo ông tạo ra những suy nghĩ và hành động tương xứng.

tumblr_novjdddRFy1qe0fxmo1_1280

Những ai thường chú trọng vào vẻ đẹp điện ảnh, như bản thân tôi, đều cho rằng Chungking Express là món quà vô giá cho đôi mắt, và tôi đồng ý. Khác với những phong cách hình ảnh Hong Kong chịu nhiều ảnh hưởng của điện ảnh Pháp lúc bấy giờ, Chungking Express sử dụng tông màu nổi đặc trưng của Vương Gia Vệ, cut chậm, và góc quay rộng thay vì tập trung vào chi tiết hay phóng gần vào gương mặt nhân vật. Đầu phim, người xem sẽ bất ngờ với cách quay nhanh và rung mờ, và tương tự với những cảnh rượt đuổi. Thêm vào đó, nhờ cách sử dụng tông màu nổi, Hong Kong hiện lên thật mới và hiện đại với ánh đèn nhiều màu sắc.

Nhưng giống như những tác phẩm khác của Vương Gia Vệ, thứ đẹp nhất trong phim chắc chắn phải là nhân vật. Bằng cách này hay cách khác, ông luôn tìm được hình ảnh đẹp nhất và tận dụng được diễn xuất nhất. Đôi khi đó là góc quay từ trên xuống, hoặc từ dưới lên, đôi khi đó là phong cách hình ảnh lồng hình ảnh, đôi khi đó là việc sắp xếp nhân vật vào bối cảnh bó hẹp xung quanh, hoặc khung hình tuyệt đẹp bằng việc sử dụng một lớp mưa nằm giữa nhân vật và người xem.

Screen Shot 2019-02-10 at 9.31.58 PM

Với Vương Gia Vệ, làm phim chưa bao giờ là sắp xếp trường quay với đầy đủ đạo cụ ánh sáng, âm thanh là tốt. Ông lựa chọn rất kỹ. Lấy ví dụ như ánh sáng và màu sắc. Cá nhân tôi rất thích cách ông sử dụng ánh sáng từ phía sau và hai bên nhân vật để làm nổi bật diễn xuất trên mỗi gương mặt. Và ông lựa chọn rất kỹ. Với những khung cảnh nhân vật nhìn say đắm một người, hay hai người lần đầu gặp mặt, ông sẽ để ánh sáng trắng mạnh, nhằm tạo ra một không khí tích cực và đầy hy vọng. Tuy nhiên, điều thú vị là, ông rất đa dạng. Với phân cảnh cảnh sát 223 cố gắng gọi điện cho bạn gái cũ, đó là một cảnh buồn, nhưng ông vẫn để ánh sáng trắng mạnh phía sau. Vì ông muốn nói lên rằng mỗi lần thất vọng như vậy, cảnh sát 223 như trông chờ một điều tích cực hơn, một cơ hội mới. Với phân cảnh Faye vào căn nhà của cảnh sát 663 để trang trí, dù có âm nhạc, dù cô nhảy múa, dù cô tận hưởng, ông lại để ánh sáng nhẹ và trầm, vì ông biết rằng mỗi ngày dù Faye hạnh phúc được chăm sóc cho người cô yêu, trong lòng cô vẫn cảm thấy một nỗi cô đơn và nỗi buồn vì có lẽ cơ hội sẽ không bao giờ tới. Và sự thật là cảnh sát 663 vẫn còn đang mộng mị dỗ dành những đồ vật mà không chú ý rằng ngôi nhà của mình được chăm sóc. Đỉnh điểm của nghệ thuật lựa chọn hình ảnh của Vương Gia Vệ phải kể đến cảnh khi cảnh sát 223 và nữ tội phạm gặp nhau tại quán bar. Ông chọn tông màu vàng trầm, tối. Sắc vàng trầm thể hiện một chút tích cực và một tia hy vọng nhỏ cho một sự gặp gỡ mới. Nhưng vì là ánh sáng tối và nhẹ, cộng với gương mặt buồn và mệt mỏi của hai nhân vật, chúng ta có thể thấy rõ họ vẫn còn điều gì đó ngăn cách.

Screen Shot 2019-02-10 at 11.40.00 PMScreen Shot 2019-02-10 at 11.38.20 PMScreen Shot 2019-02-10 at 11.24.18 PMScreen Shot 2019-02-10 at 10.42.12 PMScreen Shot 2019-02-10 at 10.19.32 PM

Bên cạnh hai cái tên huyền thoại như Lâm Thanh Hà và Lương Triều Vỹ, Chungking Express có thêm hai gương mặt mới lúc bấy giờ là Kim Thành Vũ và Vương Phi. Tôi rất thích phong cách diễn nhiều góc khuất của Lâm Thanh Hà và Lương Triều Vỹ. Với Lâm Thanh Hà là hình ảnh một nữ tội phạm tuy cứng rắn, gai góc, nhưng cũng có những lúc cô yếu mềm và tuyệt vọng. Với Lương Triều Vỹ là hình ảnh một anh chàng cảnh sát tuy lạnh lùng với Faye, khó gần, nghiêm chỉnh, nhưng lại điên dại vì thất tình, và chìm sâu vào quá khứ.

Lâm Thanh Hà và Lương Triều Vỹ tuy có diễn xuất già dặn hơn, nhưng sự nhẹ nhàng của họ vẫn mang nét năng động và trẻ trung cho cả phim. Đương nhiên, những điều đó cũng được tạo nên nhờ công lớn của Kim Thành Vũ và Vương Phi. Thật lạ lùng khi xem lại giai đoạn đầu sự nghiệp của Kim Thành Vũ, một trong những diễn viên tài năng bậc nhất của điện ảnh châu Á. Nhưng dù Chungking Express chỉ là bộ phim thứ hai trong sự nghiệp của anh, phim đã cho thấy một Kim Thành Vũ hoà hợp tốt với cách làm phim nghệ thuật, điều mà sau này đã tạo cơ hội cho anh làm việc với những đạo diễn tài năng nhất. Cách diễn của anh có chiều sâu, nặng về những chi tiết cảm xúc. Dù ở giai đoạn sớm của diễn xuất, anh vẫn có khả năng thể hiện một kẻ si tình nhưng đáng thương, một kẻ khờ dại nhưng lãng mạn. Vào ngày cuối cùng của tháng tư, anh đã ăn hết tất cả những hộp dứa ăn liền.

Screen Shot 2019-02-10 at 11.25.07 PM

1_BGkO5WmHaI1XUpag1s-pTw

Gây bất ngờ nhất có lẽ là Vương Phi. Cô mang đến sự tươi trẻ cho nhà làm phim vốn nổi tiếng bởi cách khắc hoạ những giá trị phương Đông xưa cũ. Cô mang đến sự hiện đại bằng cách diễn phóng khoáng, thoải mái. Với Vương Phi, tình yêu của Faye, cũng như của bất kì cô gái trẻ nào, rất năng động, tự do, và can đảm. Những diễn viên còn lại đã làm rất tốt phần việc mang đến một bộ phim tình cảm sâu sắc, lãng mạn, và Vương Phi đã thổi một làn hơi nóng vào Chungking Express, biến nó trở nên sôi nổi hơn, kích thích hơn, và cũng đáng yêu ngộ nghĩnh, giống như bài hát chủ đề của phim do cô thể hiện. Với diễn xuất như vậy, thật đáng tiếc khi sau đó Vương Phi trở thành diva trong làng âm nhạc thay vì tiếp tục diễn xuất nhiều hơn.

Chungking-Express-090

chungking-590x308

Như đã đề cập từ đầu, Chungking Express là một ví dụ về sự vươn lên của những nhà làm phim châu Á vào cuối thế kỷ trước. Dù Vương Gia Vệ đã là cái tên lớn trong dòng phim nghệ thuật, Chungking Express vẫn cho thấy nỗ lực rất lớn của đạo diễn tên tuổi. Khả năng đưa ra những lựa chọn, từ cốt truyện sáng tạo, đến phong cách hình ảnh chọn lọc, và nâng niu tài năng của những diễn viên có khả năng thực thụ, thể hiện sự cống hiến nhiều của ông cho điện ảnh. Vấn đề duy nhất của Chungking Express có lẽ là việc phim không thật sự nổi trội như những tác phẩm khác, như In The Mood For Love hay Happy Together. Với khán giả xem phim để giải trí, Chungking Express có lẽ sẽ là thử thách cho họ vì cốt truyện chia đôi, hình ảnh khác biệt. Và sau đó mọi người sẽ lại cảm thấy tức giận hơn vì rốt cuộc các nhân vật chẳng đến với nhau hay có một cái kết đẹp.

Nhưng điện ảnh không được tạo ra để nói vể cái kết, điện ảnh được tạo ra để kể một chuyến phiêu lưu, một hành trình, và như mọi môn nghệ thuật khác, điện ảnh là cuộc sống, và đương nhiên chúng ta đều muốn tận hưởng hành trình, thay vì nghĩ về đích đến.

Sony WH-1000XM3 Review

“Lí do iPod thành công là vì một công ty điện tử tiêu dùng Nhật Bản phát minh và sở hữu thị trường nghe nhạc cầm tay nhưng lại không thể tạo ra phần cứng nghe nhạc tốt.”

Khi Steve Jobs nói về iPod, nhiều người nghĩ rằng ông ám chỉ Sony. Sony sở hữu thị trường âm nhạc Nhật Bản từ rất lâu đời, và cho tới thời điểm sau này Sony Music sở hữu hơn 1/3 thị phần âm nhạc trên toàn thế giới. Họ tạo ra những chiếc tai nghe nhạc đầu tiên với dòng DR, và sau đó những chiếc máy nghe nhạc Walkman xuất hiện đi kèm dòng MDR trở thành hiện tượng nghe nhạc cầm tay.

iPod thay đổi những chiếc máy nghe nhạc Walkman bằng thiết kế hấp dẫn hơn, khả năng lưu trữ nhiều bài hát hơn.

IMG_4096

Nhưng đó là rất nhiều năm về trước, hiện nay smartphone trong tay mọi người là những thế hệ mới của iPod.

Và vì vậy phần cứng trong lĩnh vực âm nhạc không còn là máy nghe nhạc, mà là những chiếc tai nghe.

Sony WH-1000X M3 được đánh giá là vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại từ Bose hay Beats hay bất cứ thương hiệu nào khác.

Thiết kế:

Lấy cảm hứng từ dòng MDR cao cấp, thiết kế của M3 không bắt mắt, không khoa trương và không nặng nề. Với những ai thích mẫu tai nghe cá tính hơn, nhiều màu sắc hơn (M3 chỉ có hai màu đen và bạc), các bạn nên chọn dòng h.ear on. M3 không khác nhiều so với M2 và cả M1, nhưng được cải tiến nhiều ở sự thoải mái khi đeo, với phần headband rất mỏng, nhẹ và hai phần cúp tai được làm với chất liệu êm hơn, giúp bám tai và đầu tốt hơn, đồng thời rất thoải mái khi đeo trong thời gian dài. Không bắt mắt người dùng, nhưng diện mạo của M3 lại cao cấp hơn những dòng tai nghe khác khi rất thoải mái vì chất liệu êm tai, vẻ đẹp đơn giản và gọn gàng, cũng như phần đệm tai không làm đau mỗi khi nghe nhạc xong như nhiều dòng tai nghe khác. Nhưng phần cúp tai của M3 vẫn làm tai bị nóng và nếu bạn nào đổ mồ hôi nhiều thì sẽ cảm giác khó chịu nếu nghe nhạc lâu.

IMG_4108

Vậy nếu dùng M3 để tập thể dục? Về mặt này Sony vẫn khá bảo thủ, thiết kế của M3 vẫn ép buộc người nghe ngồi một chỗ, thậm chí trong trường hợp của cá nhân tôi khi đi bộ, sẽ có những lúc tai vô tình chạm vào phần bên trong cúp tai và âm thanh bị chói.

Ngoại trừ những nhược điểm trên, M3 làm tôi rất hài lòng về độ thoải mái và thiết kế nhẹ nhàng, tinh tế, và đơn giản. Độ tiện dụng của M3 còn được tăng lên cao khi Sony tạo điều kiện cho tai nghe phù hợp với mọi người bằng chức năng tinh chỉnh âm thanh phù hợp với thiết kế đầu, tóc, đeo kính,… trong phần app Sony Headphones Connect mà các bạn có thể tải về trên điện thoại.

Chống ồn:

Trước đây tai nghe chống ồn (noise-canceling) chỉ dành cho một bộ phận những người thường xuyên đi máy bay và làm việc trong môi trường ồn. Giờ đây càng có nhiều người nghe nhạc tại những địa điểm công cộng như nhà hàng, quán nước, công viên,… và loại tai nghe này ngày càng phổ biến.

  • M3 loại trừ tiếng ồn của môi trường rất tốt, những tiếng xe lớn chạy ngang, tiếng ồn của động cơ gần như bị loại bỏ hoàn toàn khi bạn bật tính năng chống ồn.
  • Đối với tiếng gió, M3 làm rất tốt vì thiết kế phần mic trên tai nghe được lõm vào trong, nên không có hiện tượng người nghe tiếng rít của gió lọt vào tai nghe.
  • Tiếng nói chuyện là loại âm thanh khó nhất, M3 không loại bỏ hoàn toàn tiếng nói chuyện xung quanh bạn mà chỉ giảm độ ồn xuống, nhưng khi bạn bật nhạc lên, tiếng nói chuyện cũng bị loại bỏ hoàn toàn.

IMG_4107

M3 có khả năng tự động chỉnh chống ồn dựa vào hoạt động của bạn. Ví dụ như khi bạn đang đi bộ, M3 sẽ chỉnh cho một phần âm thanh như tiếng xe đến gần, tiếng còi xe,…lọt vào tai nghe để bạn vẫn nghe được dù đang nghe nhạc. Tôi không thích phần này lắm vì đôi lúc Sony hiểu sai hoạt động của tôi và chỉnh không tốt. Nhưng bạn vẫn có thể chỉnh thủ công thông qua app, tùy vào bạn muốn nghe được bao nhiêu âm thanh bên ngoài. Một điều tôi chú ý là dù tôi chỉnh bằng cách nào, thì phần âm thanh tôi nghe được vẫn không có mức âm lượng như ngoài thực tế, mà vẫn rất nhỏ và không làm ồn tôi. Bên cạnh đó, nếu bạn đang nghe nhạc và nghe một ai đó hoặc một âm thanh nào đó như tiếng thông báo, bạn có thể áp bàn tay lên cúp tai bên phải và tai nghe sẽ tạm thời cho nhạc nhỏ lại và để âm thanh bên ngoài lọt vào. Cúp tai bên phải cũng khá tiện lợi khi tôi có thể chạm và vuốt bên ngoài cúp tai để tăng giảm âm lượng, play/pause nhạc hoặc chuyển bài, tuy nhiên tính năng này chỉ hoạt động ở chế độ không dây qua Bluetooth.

Âm Thanh:

M3 rơi vào phân khúc nghe nhạc ngay bên dưới phân khúc chuyên nghiệp.

Đối với người nghe thông thường chứ không phải audiophile, âm thanh M3 cũng xứng đáng được đánh giá là tuyệt vời tương đương với giá tiền của nó.

Nhưng việc xác định âm thanh của M3 có hay hay không tùy thuộc vào sở thích và mục đích của mỗi người. Nếu bạn là người thích cách âm thanh được tạo ra một cách hoàn mỹ, chiếc tai nghe cho bạn cảm giác rằng nghe bài nào cũng hay, bạn sẽ thấy M3 rất bình thường. Nếu bạn là người thích cách âm thanh được tái tạo trung thực nhất, nghệ sĩ làm thế nào bạn nghe được y chang vậy, bạn sẽ thấy M3 rất vượt trội.

IMG_4104

  • Bass:

Với mức tần suất âm thanh thấp nhất có thể tái tạo là 4Hz (20Hz nếu nghe qua Bluetooth), M3 có thể tái tạo lại tất cả những dải bass. Âm bass của M3 trầm, chắc, và rất rõ chứ không có hiện tượng ù. Để đánh giá âm bass, tôi nghe thử “Around The World” của Daft Punk và “I Know There’s Gonna Be” của Jamie XX, hai bài hát có rất nhiều âm bass với độ trầm khác nhau. M3 làm rất tốt trong việc thể hiện đúng đặc trưng về độ trầm, mạnh, và vang âm bass của trống và âm bass của keyboard. Bạn sẽ cảm nhận những đoạn bass được trải dài ra rất hiệu quả, chứ không chỉ là những cú đấm nhanh vào tai. Bass của M3 được đánh giá là vượt trội hơn cả Beats, dòng tai nghe được đánh giá rất tốt về phần bass.

Với những bài hát sử dụng tiếng bass bằng guitar chứ không phải âm điện tử, trong trường hợp của tôi thử là “Some Unholy War” của Amy Winehouse, M3 cũng tạo ra hiệu ứng rất phù hợp. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ những bài hát thể loại Soul, Acoustic, sử dụng âm bass chậm và nhẹ nghe rất hay với M3 do cách thể hiện của M3 để lại độ trầm rất sâu trong tai người nghe, mà vô cùng dễ chịu chứ không có cảm giác nhức tai.

IMG_4105

  • Mid:

Phần âm thanh quan trọng nhất của âm nhạc cũng được M3 phục vụ chu đáo. Đối với phần nhạc cụ, tôi rất thích cách M3 thể hiện tiếng trống. Âm thanh mỗi loại trống và gõ được thể hiện cực kỳ trọn vẹn và rõ ràng. Với những đoạn tiếng trống và gõ dồn dập liên tục và nhanh, bạn vẫn cảm nhận rõ âm thanh nào là của nhạc cụ nào, và vì vậy bài hát trở nên sống động và đa dạng một cách rất trung thực. Những nhạc cụ khác như guitar, piano, kèn,…đều được thể hiện chính xác về tông và độ vang. Nhưng quả thực tôi vẫn rất bất ngờ với cách M3 thể hiện tiếng trống, nó hoàn hảo hơn bất cứ tai nghe nào tôi từng thử.

Tới thời điểm lựa chọn bài hát để kiểm tra chất lượng thanh nhạc, tôi quyết định sẽ rất phí nếu dùng M3 nghe những bài hát auto-tune. Và tôi bật ngay một trong những giọng hát tự nhiên và kỹ thuật nhất mà mọi người yêu thích-Adele. Bài hát tôi chọn là “When We Were Young” và thật sự rất hài lòng. M3 thể hiện chất giọng của ca sĩ tốt đến nỗi tôi có thể nhận ra cách Adele từ từ lên cao ở chữ “home” trong câu “ ‘Cause you feel like home”. Từng nhịp lấy hơi, từng điệu luyến, từng khoảng ngân đều rất rõ ràng trong phần trung âm của M3, phần chiếm hầu hết những gì hay nhất của một bài hát. Cũng cần lưu ý thêm là về độ rộng của âm mid, M3 không quá chú trọng về việc thể hiện cảm giác bạn đang nghe âm thanh theo kiểu sân khấu. Những bạn nào thích nhạc EDM, House, Electronic muốn có được cảm giác như đang nghe live sẽ không có cảm giác trung thực. Tuy nhiên với những bài hát nhạc Soul, Ballad, tôi cảm nhận được rất phù hợp với M3 và cảm giác cứ như đang ngồi cùng ca sĩ trong studio hoặc phòng trà. Bạn cũng có thể mở rộng độ rộng của âm thanh qua app Sony Headphones Connect cũng như chỉnh hướng mà âm thanh đang phát ra.

IMG_4103

  • Treble:

Đương nhiên M3 cũng có hạn chế về âm thanh và nó nằm ở âm treble. Với những chất giọng lên cao tuyệt vời như Adele, bạn sẽ không nhận ra hạn chế về âm treble của M3. Nhưng trong trường hợp “How Will I Know” của Whitney Houston, có thể thấy rõ M3 không thể tái hiện tốt những nốt cao nhất của chất giọng lên cao bằng nội lức chứ không phải bằng nốt. Nói một cách dễ hiểu, phần âm Treble của M3 không cho bạn cảm giác nổi da gà trong những nốt cao, nó không tới, và cũng không tách biệt so với trung âm. Nói một cách công bằng, âm treble của M3 vẫn trên mức trung bình, bạn vẫn nghe hay những bài Rock với tiếng guitar và tiếng hát chính cao, nhưng rất tiếc phần âm này không trung thực được như bass và mid. Tôi nghe thử “Too Good Too Bad” của Seatbelts, một bài nhạc không lời đơn giản chỉ có âm nhạc cụ để đánh giá chính xác âm Treble, M3 vẫn thể hiện âm thanh của kèn Trombone rất tốt, nhưng không đến mức sexy như âm thanh mà Trombone luôn đạt được ngoài thực tế.

IMG_4109

Không Dây Và Có Dây:

Chất lượng của tai nghe vẫn xoay quanh tranh cãi có dây hay không dây rất nhiều. Nhiều người nghĩ rằng có dây vẫn cho ra âm thanh tốt hơn, nhưng không dây rất tiện lời và chất lượng âm thanh cũng không còn kém xa so với có dây. M3 cho phép bạn thử cả hai cách khi đi kèm dây nghe, và tôi đã thử, và có dây vẫn thắng. Đầu tiên là với không dây, do Sony trang bị cho M3 đầy đủ công nghệ âm thanh tốt nhất hiện nay như AAC, aptX, aptX HD, LDAC (ngoại trừ AAC, những chuẩn còn lại chỉ sử dụng được trên điện thoại Android và Walkman) nên việc kết nối qua Bluetooth và có được chất lượng âm thanh cực tốt hoàn toàn là có thể. Bên cạnh đó, Sony còn sử dụng công nghệ DSEE HX để có thể khiến những file nhạc thông thường trở nên hay hơn.

IMG_4106

Nếu chỉ đơn giản nghe nhạc thông qua trình nghe nhạc có sẵn trên điện thoại, tôi không nhận thấy rõ sự khác biệt lớn giữa không dây và có dây, kết nối Bluetooth luôn ổn định khi nghe nhạc lâu, và âm thanh cũng chất lượng xuyên suốt. Nhưng khi tôi cắm tai nghe vào máy tính và tải file nhạc chất lượng lossless (trường hợp của tôi là file .flac), tôi có thể nhận thấy sự cải tiến rất nhiều về âm thanh nếu so với nghe nhạc không dây và file nhạc thường. Tôi nghe thử “California (There Is No End to Love)” của U2 và nhận thấy tuy phần nhạc cụ không quá khác biệt, nhưng giọng hát của Bono nghe bốc hơn rất nhiều. Và do là thể loại rock nên tôi cũng cảm nhận được nếu nghe qua dây nghe và file nhạc lossless thì khuyết điểm âm treble của M3 được khắc phục phần nào. Sony vốn có rất nhiều kinh nghiệm và hơn 5 dòng tai nghe khác nhau phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc hi-res với file lossless, nên điều này cũng rất dễ hiểu với chất lượng mà M3 có được.

IMG_4100

Cuối bài:

Những ai là fan cứng của tai nghe Sony nhận xét rằng họ rất bất ngờ khi chỉ trong một năm mà Sony có thể cải tiến một cách trọn vẹn M3 so với thế hệ M2.

Cá nhân tôi nghĩ rằng dù M3 có là phiên bản riêng biệt hay nâng cấp cũng rất đáng mua.

Dù mức giá khá cao so với trung bình, nhưng M3 có chất lượng rất đáng tiền. Thiết kế thoải mái, chắc chắn, tiện ích, đi kèm với app cho phép người dùng thoải mái tinh chỉnh theo sở thích, và quan trọng là khả năng chống ồn thuộc hàng tốt nhất. Phần âm thanh tôi không dám khẳng định là hay nhất với tất cả mọi người, nhưng âm thanh của M3 trung thực, trong, chắc chắn, và rõ ràng là điều không nhiều tai nghe làm được lúc này.

Người Nhật luôn trân trọng cách làm cũ và quen thuộc. Sony đã từng bị đánh bại trong thị trường nghe nhạc cầm tay, nhưng họ vẫn gắn bó với sản phẩm tai nghe lâu đời của hãng, với cách làm cũ, tiêu chí cũ, và đâu đó là cảm nhận cũ. Nếu mỗi năm Sony cứ tiếp tục cho ra đời một sản phẩm như thế này, tôi nghĩ người Nhật vẫn sẽ còn đi đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng một thời gian rất lâu nữa.

Star Wars: The Last Jedi Review

Một phần mới, với nhiều sự chuyển mình mới.

Đó không phải là điều mà tôi và chắc hẳn cũng nhiều người may mắn được xem Star Wars: The Last Jedi vào ngày hôm qua mong đợi. Tôi không mong đợi mỗi phần mới của Star Wars là một điều mới mẻ, vì đôi lúc điều đó là điều không cần thiết, và tôi cũng không mong đợi mỗi một phim mới của series Star Wars có thể mang lại một sự chuyển mình cho tất cả những phim còn lại.

Star Wars: The Last Jedi mang đến khá nhiều thứ mà cả những phần phim hay nhất trong quá khứ của Star Wars không có được, một phần nào đó nhờ vào Disney đã cho phép các nhà làm phim của họ tự do khám phá những điều mới dù đó có là phần thứ mấy của series. Họ đã làm rất tốt điều đó từ Iron Man 3 của Marvel, và giờ đây là Star Wars.

Nhưng The Last Jedi có sự diệu kỳ trong kết nối giữa các nhân vật.

Tôi đã nghĩ đây sẽ là phần đi theo phong cách của Star Wars: The Empire Strikes Back của năm 1980. Phần thứ 2 trong bộ ba phim gốc chứa đựng sự thay đổi về phong cách, về câu chuyện, và luôn được xem như một trong những bộ phim hay nhất. The Last Jedi cũng chứng kiến sự thay đổi về phong cách, nhưng thay vì đen tối thêm như The Empire Strikes Back, năm 2018 của Star Wars mang một phong cách diệu kỳ dựa trên nền khoa học viễn tưởng. Đạo diễn Rian Johnson đã mang khá nhiều điểm tương đồng từ Looper lồng vào The Last Jedi, một quyết định rất mạo hiểm khi ai cũng mong muốn được thấy giá trị phiêu lưu hơn là diệu kỳ trong Star Wars, thậm chí chẳng ai nghĩ sẽ được thấy một The Lord of Rings trong vóc dáng Star Wars. Nhưng The Last Jedi có sự diệu kỳ trong kết nối giữa các nhân vật, điển hình là Rey và Kylo, một trong những điểm kỳ lạ và khó hiểu nhất mà một phim Star Wars từng thấy. The Last Jedi có sự diệu kỳ trong khía cạnh tôn giáo về Thần Lực. Và còn rất nhiều thứ lạ nữa mà The Last Jedi mang đến trong hai chữ “diệu kỳ.”

Screen-Shot-2017-04-14-at-10.27.32-AM-e1492186733459

Nhưng dù sao đây vẫn là một phim Star Wars, về những chuyến phiêu lưu, về những mâu thuẫn giữa các nhân vật. Thay vì phát triển những nhân vật phụ xoay quanh nhân vật chính như cách The Empire Strikes Back đã làm bất ngờ trong quá khứ, The Last Jedi có một sự phát triển mạnh về những nhân vật chính, điển hình là bộ ba Rey, Finn, và Poe. Ba nhân vật được bước vào những vùng đất rất mới trong tính cách, có những quyết định mà bản thân phải bắt gặp một cách lạ lẫm, và cả những thử thách về lòng tin của chính mình. Đặc biệt là Rey, sau The Force Awakens khá thất vọng về giá trị và chỗ đứng của cô trong toàn series, đến nay Rey đã là một nhân vật không những thú vị, mà còn mang chỗ đứng quan trọng thậm chí cho tương lai của loạt phim. Tương tự như khi Luke gặp Master Yoda trong The Empire Strikes Back, Rey cũng đã phát hiện nhiều điều khi cô gặp Luke, bên cạnh đó còn là mối quan hệ kỳ lạ với Kylo.

Pha highlight của Holdo đã làm cả rạp mà tôi xem chỉ còn há hốc mồm vì độ “thốn” của nó.

Những nhân vật phụ cũng có những pha highlight đáng nhớ cho mỗi người, dù đó là thế hệ Star Wars cũ như Luke, Leia (tôi vẫn thấy hơi “phê phê” sau cảnh của Leia), hay những gương mặt mới như Rose, Holdo và thậm chí vai diễn nhỏ của Ngô Thanh Vân trong cảnh mở đầu của phim. Và tôi nghĩ nhân vật là điểm quan trọng và tốt nhất mà The Last Jedi có được để trở thành một phim thật sự khác biệt và thành công. Vì pha highlight của Rose sẽ có nhiều tác động tới Finn trong câu chuyện của phần cuối cùng, pha highlight của Holdo đã làm cả rạp mà tôi xem chỉ còn há hốc mồm vì độ “thốn” của nó, và đương nhiên nếu không nhờ pha highlight đầu phim của Ngô Thanh Vân, phim sẽ không thể kéo dài đến gần 3 tiếng đồng hồ.

fullsizeoutput_12b8

Nhân vật chắc chắn là yếu tố khiến những ai chưa từng xem series Star Wars trước đây có thể thưởng thức trọn vẹn phần phim này, vì mỗi nhân vật đều có một điều gì đó mới mẻ, những câu chuyện mới để kể, và cả những ý tưởng mới để làm, thay vì phụ thuộc nhiều vào nội dung của những phần phim cũ. Rian thật sự rất sáng tạo trong những ý tưởng mới cho The Last Jedi nhằm mang đến không chỉ một Star Wars hay, mà là một phim điện ảnh hay và đủ khác lạ. Sẽ không chỉ có một, hay hai twists trong phim, mà là rất nhiều. Sẽ không chỉ có một Luke quen thuộc, hiền lành, tốt bụng như mọi người từng nghĩ, mà là một Luke phức tạp hơn, khiến người xem tò mò hơn, và cũng rất đặc biệt hơn. Sẽ không chỉ có một Thần Lực đơn giản là cần được giữ cân bằng, mà là một Thần Lực sẽ làm cân bằng tất cả. Giữa thực tế và sự mù quáng, giữa thể chất và tinh thần, giữa thiên tài và sự phấn đấu. Vì những ý tưởng khác lạ này, mà The Last Jedi mang đến những cảm xúc rất mới, rất lạ, và đáng nhớ. Đây chắc chắn là phần phim mang đậm giá trị cảm xúc nhất cho đến nay của Star Wars. Nhưng không đến nỗi người xem sẽ khóc, mà chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để mọi người cảm thấy đây không chỉ là một phim giải trí. Dù The Last Jedi cũng chắc chắn là phần phim hài hước nhất của Star Wars. Những cảm xúc giờ đây không chỉ dừng lại ở giá trị những người thân trong gia đình, mà còn ở cả những người chúng ta hận thù. Những cảm xúc không chỉ nằm ở điều mà nhân vật tin là gì, mà còn là thời điểm và chỗ đặt niềm tin đó như thế nào. Star Wars luôn đặt nặng giá trị nhân văn về câu hỏi con đường nào mỗi người nên chọn, nhưng The Last Jedi mang đến câu hỏi quan trọng hơn về giá trị đó: con đường đó liệu là đủ.

resistance-ski-speeder-b_25397de2

Góc quay nghiêng và chéo đã làm nên một trong những cảnh phim ấn tượng nhất cho cả phim

Mặt hình ảnh của Rian Johnson trong phim cũng mang hơi thở mới, nghiêng về tông màu đen/đỏ và nghiêng về hiệu ứng ngắn và giản lược rất nhiều. Với cốt truyện giờ đã chỉ còn mang nặng tính khám phá hơn là bùng nổ, The Last Jedi không mang nhiều lắm sự hoành tráng trong đa số những cảnh chạm trán giữa hai phe. Nhưng khi một cảnh ồn ào diễn ra, Rian chắc chắn sẽ không làm mọi người  thất vọng. Từ cảnh mở đầu dài hơn 10 phút cực kỳ đã mắt và thoả mãn về mặt đúng nghĩa của dòng phim khoa học viễn tưởng (với kết thúc hoành tráng của Ngô Thanh Vân), cho đến pha solo đậm chất “Liên Minh Huyền Thoại” cuối phim, The Last Jedi đã làm cả rạp phải vỗ tay và khen ngợi vì cái đẹp và thông minh của những giây phút vào sinh ra tử. Khác với The Avengers thường mang đến hiệu ứng ấn tượng về cảm giác, The Last Jedi mang đến hiệu ứng bất ngờ như khi người xem chứng kiến một màn ảo thuật. Rian Johnson mang đến nhiều góc quay chéo và nghiêng thay vì bao quát như thường thấy trong các phim khoa học viễn tưởng, điều này thật sự thú vị, nhưng trong nhiều cảnh lại làm The Last Jedi trở thành một phim tâm lý hơn là một phim Star Wars. Trừ cảnh một-mình-chị-chấp-hết của Holdo. Đó là cảnh đẹp nhất trong tất cả các khung cảnh vũ trụ của The Last Jedi, và dù nó rất thốn đến nỗi cả rạp đều la “ouch” một lượt, góc quay nghiêng và chéo đã làm nên một trong những cảnh phim ấn tượng nhất cho cả phim. Trong khi các phim khoa học viễn tưởng sử dụng cắt cảnh dạng wipe nhiều, The Last Jedi có số lượng chuyển cảnh dạng cut rất nhiều, nhưng người xem sẽ không phải nhức đầu khi nhảy qua lại giữa các cảnh nhiều và liên tục, Rian chọn thời điểm cut rất hay, không chỉ hợp lý, mà là rất hay. Trong những lần Rey và Kylo kết nối, cut là một yếu tố tuyệt vời để người xem cuốn vào màn chiến đấu tinh thần giữa hai nhân vật. Và cut cũng đã tạo nên pha Solo mà có lẽ sẽ không bao giờ người xem quên được ở cuối phim.

rs_1024x429-170414091818-1024.star-wars-the-last-jedi-1.41417

The Last Jedi hay hơn đa số những phim Star Wars trong series, với rất nhiều điều mới mẻ mà người xem sẽ phải khám phá, như cách mà các nhân vật dành nhiều thời gian để làm trong câu chuyện này, với nhiều câu hỏi lớn về Luke, Kylo Ren, và đương nhiên, về Jedi cuối cùng. The Last Jedi là phim duy nhất có thể so sánh với The Empire Strikes Back, về cả sự sáng tạo trong cốt truyện, nhân vật, hay những khoảnh khắc twist đậm chất “I am your father.” Dù khá khác so với hình ảnh Star Wars trong tâm trí nhiều người, nhưng The Last Jedi mang đến sự hiệu quả khi kết hợp những nét đẹp của sự quen thuộc mà mọi người đã bắt gặp từ những ngày đầu tiên của Star Wars, với những nhân vật mới, ý tưởng và phong cách hình ảnh mới mà giờ đây chắc chắn đã đủ sức thuyết phục sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều người đến rạp phim trong tương lai. Dù là một tác phẩm lớn, nhưng đa số nhiều khán giả Việt ngại đến rạp vì không thật sự quen với Star Wars thì sẽ không thể thấy được hết cái hay. The Last Jedi hoàn toàn giải quyết được vấn đề đó. Bỏ lỡ nó, sẽ là một tiếc nuối rất lớn.

 

 

STAR WARS: THE FORCE AWAKENS

Một niềm hi vọng mới cho Star Wars

Tôi thích đến rạp xem phim. Và lí do duy nhất là vì bộ phim đầu tiên thuyết phục tôi điều đó là Star Wars: Revenge of The Sith. Không thể phủ nhận bộ phim chưa xứng với bộ ba phim gốc, nhưng nó mang đủ những gì mà người ta nghĩ về Star Wars.

Ngay bây giờ, 10 năm sau lần đầu tiên chứng kiến những gì tôi chưa bao giờ được thấy trên phim ảnh, tôi lại một lần nữa yêu Star Wars, khi The Force Awakens mang trở lại tất cả những gì chúng ta đã yêu về nền văn hoá này. Và bộ phim này có ý nghĩa rất nhiều với hành trình yêu thích Star Wars của tôi.

Việc kết nối những nhân vật cũ và mới tạo ra một cốt truyện rất khó lường

Yên tâm, tôi sẽ chẳng Spoil nội dung ở đây đâu, vì thật ra, khả năng kể chuyện của J.J.Abrams và tài nghệ sáng tạo của bậc thầy Lawrence Kasdan từ những phần phim trước đã mang lại một cốt truyện rất nhiều bước nhảy và muốn Spoil cũng khá mệt. Nó đầy ắp những bất ngờ, những mối quan hệ, những sự liên kết, và nếu so với những gì Star Wars năm 1977 mang lại, việc kết nối những nhân vật cũ và mới tạo ra một cốt truyện rất khó lường. Đương nhiên, như những gì A New Hope mở ra cho nền văn hoá này, những gì bạn thấy trong The Force Awakens chỉ mới là bắt đầu, và cũng dễ hiểu nếu bạn có rất nhiều thắc mắc cần giải đáp.

Vị đạo diễn tài ba mang đến nhiều cái mới, và hoàn thiện không ít cái cũ

J.J.Abrams đã làm rất tốt, nếu không muốn nói là một cách xuất thần. Ông hiểu nền văn hoá này, ông hiểu những gì người xem yêu thích ở những nhân vật, ở những cảnh hành động, và ông hiểu sự sắp xếp mọi thứ lại để thuyết phục người xem họ đang xem Star Wars chứ không phải bất kì nhân vật nào khác. Vị đạo diễn tài ba mang đến nhiều cái mới, và hoàn thiện không ít cái cũ. Những trận chiến được trình diễn một cách khôn ngoan hơn, và tôi phải nói rằng J.J.Abrams làm phần nào đó tốt hơn trong việc này so với George Lucas. Cả hai đều học hỏi ở Akira Kurosawa, và tôi thấy phần nào đó của tuyệt phẩm “Ran” trong những cảnh hành động của The Force Awakens.

Hành trình phiêu lưu giữa những nhân vật và Thần Lực sẽ còn kéo dài rất lâu. Sẽ còn rất nhiều điều để chúng ta cùng khám phá. Với The Force Awakens, sự kết nối giữa những thanh kiếm và chủ nhân của nó trở nên đặc biệt hơn rất nhiều. Thanh kiếm bị mất và chủ nhân của nó là mấu chốt cho toàn bộ phần phim này, và điều này cực kỳ mới mẻ một cách khôn ngoan. Và cuối cùng, sự kết nối giữa Thần Lực và những con người, những dòng máu từ đời này qua đời khác càng trở nên rõ rệt hơn. Đây là những điều chúng ta chưa có cơ hội trải nghiệm rõ qua những phần trước đây.

Thật tiếc khi phải nói rằng phim đã lãng phí dàn diễn viên tài năng

Nhưng tôi ước họ có thể nghiên cứu nhiều hơn về những nhân vật. Sẽ không có một nhân vật như Yoda của những phần phim trước. Những kiểu nhân vật có thể làm thay đổi tất cả những suy tính của người xem. Không có họ. Tôi rất thích diễn suất của mọi người, nhưng một phần trong tôi hi vọng hai phần sau sẽ mang lại một số nhân vật sâu sắc và đặc biệt hơn. Thật tiếc khi phải nói rằng phim đã lãng phí dàn diễn viên tài năng. Max von Sydow  là diễn viên tôi rất thích.

Và điều này sẽ không bao giờ chấm dứt. 

Vị trí của The Force Awakens thật sự rất giống A New Hope của năm 1977. Cả hai đều tạo ra một khởi đầu mới, tạo ra một mạch truyện mới. Nhưng với The Force Awakens, khi tất cả những gì họ có được là những nhân vật và khái niệm vốn đã được giới thiệu trước, mọi chuyện trở nên thật sự khó khăn hơn. Họ cần một hơi thở mới. Họ cần thuyết phục chúng ta rằng, với những gì bạn đã yêu thích trước đây, chúng ta sẽ cùng tạo ra một niềm yêu thích mới mà không phá vỡ những di sản trước. The Force Awakens đã làm được. Họ mang lại niềm hi vọng mới cho cả nền văn hoá. Họ mang lại sự phấn khích như trước đây, sự tò mò khi chúng ta đón chờ những bất ngờ. Họ mang lại sự thoả mãn khi chúng ta đắm chìm trong thế giới của những cảnh hành động choáng ngợp và sự lộng lẫy của những điều kì diệu. Và xin gửi đến những khán giả đã thưởng thức The Force Awakens, dù bạn có là fan ruột hay không, các bạn là những thế hệ mới của Star Wars. Và điều này sẽ không bao giờ chấm dứt.

Và đương nhiên, cũng như bạn, tôi vô cùng buồn với cái chết trong phần phim này.

ADELE “25” REVIEW

It’s not like anything we imagined. At all.

Making an Adele song is pretty simple. Just take a piano, a guitar and let her do the magic with her voice. This album is pretty simple as well. Just give her time. And she can create new success. She can let we down. She can make we hate her.

Here is how it comes. You hear “Hello” and love it so much, and you hope this will be exactly what you love about “21”. That’s when you’re wrong.

No more goodbye or regret

For sure, “Hello” is a very sad, hurting opening, something like “Someone Like You”, but “25” is more than that. 11 songs. You can find slow and sad songs, but now, the rhythms are very strange. It’s all very hopeful and promising. It’s all about commitments and sweet proposals. No more goodbye or regret.

Every now and then, when I hear a female voice sings a sweet love song, I often scream “Oh My God” and my heart runs fast. With three songs “I Miss You”, “When We Were Young”, “Water Under The Bridge”, I scream, three times actually, “Oh My God”, “Oh My God”, “Oh My God”. “Hello” is about “Recently uncovered Adele” like she says. “I Miss You” is a exceptional piece of work, I must say. And of course, you can sing “When We Were Young” for every guy that you like, if you’re a sweet girl, if you’re a girl with limitless power of sweetness. In fact, that’s is Adele in this album. She knows it’s a good song when she cries while writing it. I’m sure with you that with “25”, you will have many moments of emotions. And they’re not just crying. I love it when the songs talk about the future, not the past.

But it’s undoubtedly a sweet requirement.

I can promise with you that this is a grown up, exetremely adorable Adele. So, if you’re expecting an angry, sad or not-giving-a-fuck Adele, you shouldn’t try “25”. She’s still angry, but she’s angry about what’ll happen in the future. She wants to move on so hard in “River Lea”. She wants to get it all so hard in “All I Ask”. And she’s not that not-giving-a-fuck when she’s break up anymore, instead, she feels happy when she’s free in “Send My Love”. She’s not that “Rolling in The Deep”. Now, she’s “Sweet Devotion”. Much more faith. Much more requirement. But it’s undoubtedly a sweet requirement. “If this is my last night with you. Hold me like I’m more than just a friend”

There will be hopes after broken loves. Always

“25” is a fresh. It has smart lyrics. Creative rhythms. And it’s full of surprises. Just try to find a song with two new high notes. Just try to find a song about sex. That will make you love to enjoy this album over and over again. With “21”, she told us that girl’s always hurted. But this time, not like anything we imagined about this album, Adele makes sure that no matter you are 21, 25 or even 50, when you’re in love, girl’s always sweet and adorable. And there will be hopes after broken loves. Always

JUSTIN BIEBER “PURPOSE” REVIEW

Album này không phải là về JB mà chúng ta đã yêu thích. Mà là về JB chúng ta cần.

Tự hỏi nếu album này thất bại thì sẽ ra sao? Hãy tưởng tượng thử xem. Khi bạn nghe xong album và chợt phát hiện đây chỉ là một trò đùa nữa của thằng con nít đó. Justin đã cố gắng hết mọi thứ có thể làm cho album này. Từ việc thừa nhận những hành động trẻ trâu lúc trước, cho đến việc đem chuyện tình của Selena ra để sáng tác. Hay việc có những cái tên như Rick Rubin hay Kanye West sau lưng sản xuất, có Ed Sheeran tham gia viết nhạc, có Diplo và Skrillex hỗ trợ.

Nếu album này thất bại, thì đơn giản là nó thất bại.

“Purpose là cơ hội cuối cùng của JB để cứu lấy nhạc Pop. Và sự nghiệp của anh”

Album thật sự không có gì mới so với những gì mà anh đã làm. Những giai điệu catchy, những lời bài hát ngọt ngào cho những trái tim yếu đuối của phái nữ. Nhưng mọi thứ lại khác hẳn. Tất cả là những gì mà Justin-Bieber thật sự muốn viết. Và Selena Gomez thật sự không phải là một phần lớn trong album này như chúng ta đã nghĩ. Điều này không bất ngờ. Vì dù gì thì Purpose là cơ hội cuối cùng của JB để cứu lấy nhạc Pop. Và sự nghiệp của anh. Chứ không phải cứu lấy một mối quan hệ đã đổ vỡ.

“Mark My Words” là một bài hát thông minh, khéo léo sử dụng chất giọng của JB. “I’ll Show You” hay “What do you mean” hay “Sorry” đều là những bài hát đáng nghe mà chúng ta đã có dịp thưởng thức khi được phát hành dưới dạng single. Nhưng nửa sau  mới là phần hay nhất của album. Thú vị nhất. Justin Bieber nhất.

Bạn sẽ không thấy một JB vừa nhảy vừa hát như lúc trước nữa. Thay vào đó là những bài hát sâu sắc và chậm hơn, như “Life Is Worth Living” hay title song “Purpose”. Những bài này thật sự rất hay và nó thể hiện cái tài trong việc viết nhạc của anh. Và đương nhiên phải cảm ơn khi anh mang đến rất nhiều trong album này.

Anh mang đến một phong cách mới với “No Sense”, một khả năng đa dạng giọng hát với “Company”, một chắc-chắn-100% “Baby” thứ hai- “Been You”, và với việc có được một bài hát tuyệt vời với Ed Sheeran, JB nên “Love Yourself”.

Lần tới, JB nên chọn hãng thu âm khác

Điều đáng tiếc nhất trong album là việc chọn Def Jam là hãng thu âm. Chúng ta biết rằng Def Jam không có nhiều đất diễn cho nhạc Pop mà chỉ thiên về Hip Hop. Và với việc cả Rick Rubin và Kanye West- hai cái tên đứng đầu Def Jam là hai người đằng sau album, “Purpose” bắt-buộc phải có những cái tên Rapper.  Big Sean và Travis Scott không phải là tệ, nhưng họ tham gia chắc chắn là chỉ vì tiền. Không thể ghét, thậm chí là chê bất kì điều gì về album này, và đây thật sự chính xác là những gì mà JB đã học được từ Kanye trong suốt quá trình thực hiện album này. “Hãy tạo ra những bài hát thật hay mà người ta không thể ghét được”. Chính là những điều mà Kanye đã nói với Justin. Và khi bạn đặt hai cái tôi lớn nhất thế giới âm nhạc vào chung một nơi, mọi thứ lại may mắn diễn ra thật tốt. Vì họ còn là hai cái tên đẳng cấp nhất của âm nhạc hiện đại. Nhưng, lần tới, JB nên chọn hãng thu âm khác.

Hãy chờ Adele

Tôi thích cái sâu sắc mới của album này. Tôi thích cái badass của một tay chơi thứ thiệt như JB trong “Company” và “No Sense”, tôi thích nỗ lực trở thành MJ thứ hai với “Children”. Tôi thích khả năng viết nhạc liên tục, đa dạng và đương nhiên là giọng hát của anh trong từng bài, tôi thích cách luyến nốt, cách kéo dài nốt cao, độ hoàn thiện vượt trội của album và giai điệu, thật khó để khỏi đầu. Bạn có thể tìm thấy mọi thứ bạn thích ở nhạc Pop trong album này. Nhưng hãy chờ đúng một tuần sau. Hãy chờ Adele. Justin Bieber cũng đang nín thở mà chờ.