Alfred Hitchcock’s Vertigo

Đối với một người đạo diễn, họ luôn có quyền tự quyết định quãng thời gian làm phim. Rất khó tìm được điểm chung ở những sự nghiệp của những người đạo diễn giỏi. Có những người sự nghiệp kéo dài với số lượng phim rất nhiều, nhưng có người lại tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Điểm mấu chốt là làm sao để người đạo diễn có thể giữ được sự sáng tạo và không để những bộ phim đi dần vào lối mòn.

Giai đoạn từ năm 1954-1960 là giai đoạn có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất của Hitchcock, ngay cả ở giai đoạn trễ của sự nghiệp, ông vẫn tìm được những câu chuyện mới, vẫn xoay xở được với phong cách hình ảnh mới. Dù Vertigo có là phim xuất sắc nhất của Hitchcock hay không, đây vẫn là tác phẩm cho thấy Hitchcock khẳng định mình là một người đạo diễn, ngay cả trong giai đoạn ông đã là một tên tuổi lớn.

Hitchcock luôn rất giỏi trong việc chọn một câu chuyện gần như hoàn hảo cho điện ảnh: dễ hiểu, sâu sắc, và có thể được xây dựng thêm. Dựa trên tiểu thuyết “D’entre les morts”, Vertigo là một câu chuyện bí ẩn, tâm lý, kịch tính. Đó còn là một câu chuyện tình buồn. John là một cảnh sát đã nghỉ hưu do chứng sợ độ cao và nhận lời theo dõi vợ của một người bạn. Trong quá trình theo dõi người vợ với nhiều tình tiết kỳ lạ, họ bắt đầu có tình cảm. Nhưng người phụ nữ bí ẩn lại quyết định tự tử trên đỉnh tháp chuông, và chính chứng sợ độ cao của John đã ngăn anh leo lên đỉnh tháp và cứu người phụ nữ. Sau đó, John trải qua những nỗi ám ảnh còn day dứt hơn cả chứng sợ độ cao của anh.

Chuyện phim hấp dẫn ngay từ đầu với những chi tiết kỳ lạ, và sau cái chết của người phụ nữ, câu chuyện vẫn tiếp tục rất đáng xem. Với nhịp độ chậm, Vertigo là câu chuyện tình đầy nỗi ám ảnh, nỗi buồn hối tiếc, và sự lừa dối. Nhưng câu chuyện mang nét bí ẩn trong tâm lý mỗi nhân vật lại khiến yếu tố lãng mạn trở nên đặc biệt hơn, khác xa so với những chuyện tình vốn thường thấy trong điện ảnh. Khi hai người cùng yêu nhau, câu chuyện lại khắc hoạ tâm tư của mỗi người thay vì mối quan hệ của họ, với nỗi ám ảnh về một hình bóng của người đàn ông, hay nỗi bất lực và không kiểm soát của người phụ nữ. Hitchcock luôn muốn tạo ra những câu chuyện kịch tính, nhiều thăng trầm, nhiều nỗi sợ và ám ảnh, và cuối cùng là để khán giả cảm giác nhẹ nhõm khi phim kết thúc. Ông luôn muốn đưa người xem vào một thế giới không hoàn hảo, và khiến người xem hạnh phúc khi họ nhận ra rằng họ không tồn tại trong thế giới đó. Nhưng khi Vertigo kết thúc, không có sự nhẹ nhõm nào, không có một hạnh phúc nào mà người xem có thể cảm nhận được. Nỗi ám ảnh, nỗi buồn về một hình bóng yêu thương, lại vô tình tồn tại trong mỗi người xem.

Phong cách kể chuyện của Vertigo luôn được tranh luận rất nhiều. Khi được ra mắt, phim bị đánh giá tệ về cách kể chuyện dài dòng và rời rạc. Nhưng sau này, khi cái nhìn về điện ảnh được mở rộng, Vertigo trở thành một bộ phim tiêu biểu cho việc áp dụng các nguyên tắc nghệ thuật cho câu chuyện đời thường. Đầu tiên, đó là sự sâu sắc của cốt truyện. Một câu chuyện chứa những chi tiết thuộc nhiều thể loại khác nhau, từ kịch tính, tâm lý, bí ẩn, tội ác, và cuối cùng là lãng mạn sẽ là một câu chuyện với rất nhiều tầng lớp, nhiều ý nghĩa sâu xa khiến khán giả phải tự ngẫm nghĩ. Điều thứ hai, Hitchcock luôn tin rằng mọi người xem phim vì họ muốn thoát ra khỏi hiện thực và đi tìm một hiện thực mới trong điện ảnh. Vertigo chắc hẳn không dựa trên một câu chuyện có thật, và đối với nhiều người đây còn là một bộ phim phi lý, vớ vẩn, gượng ép. Nhưng điện ảnh sẽ không bao giờ hay nếu như cứ luôn là một bản sao chép những gì chúng ta thấy và nghĩ đến hàng ngày. Vertigo mang đậm tính nghệ thuật vì câu chuyện khiến người xem thấy được một khía cạnh mới mà chúng ta không được, và cũng không dám chạm tới mỗi ngày.

Vertigo còn là một tác phẩm nghệ thuật vì nó mang tinh thần cốt lõi của bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào: sự tự do. Đã cất công chọn một câu chuyện khác thường, Hitchcock đương nhiên cũng sử dụng cách thể hiện đặc biệt. Bằng cách trung thành với sự tự do của một người nghệ sĩ, Hitchcock tạo ra những thước phim đẹp đến hoàn hảo cho Vertigo. Được biết đến như một đạo diễn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định kỹ thuật, từng khung hình của Vertigo luôn có tỉ lệ hoàn hảo, màu sắc chắt lọc, và chứa đựng điểm nhấn.

Với những cảnh quay cận nhân vật, Hitchcock sử dụng kỹ thuật cho phép diễn viên tương tác với ống quay (thay vì tương tác với diễn viên khác như thông thường). Kỹ thuật này luôn rất thành công, và với Vertigo nó tiếp tục cho thấy hiệu quả trong việc thể hiện nét đẹp của diễn xuất nghệ thuật. Với những cảnh quay rộng, Hitchcock lựa chọn cảnh nền và màu sắc một cách chi tiết và nghệ thuật hết sức có thể. Chẳng hạn như cách ông chọn cầu Golden Gate làm nền hay ánh đèn xanh lá bên ngoài để khắc hoạ gương mặt nhân vật. Vertigo còn nổi tiếng với kỹ thuật quay phim mới của Hitchcock: dolly zoom. Bằng cách di chuyển máy quay ra xa vật thể, đồng thời zoom gần vào vật thể, Hitchcock tạo ra cảm giác góc nhìn của người xem thay đổi, cảm giác như chúng ta đang bị hút vào giữa khung hình. Kỹ thuật này được sử dụng để khắc hoạ nỗi sợ độ cao của Johnny, và tạo cảm giác như nhân vật đang rơi xuống phía dưới. Hiệu ứng này trở nên rất hiệu quả và được sử dụng rộng rãi hơn, được biết đến như “Hiệu ứng Vertigo”.

Với góc quay rộng, Hitchcock sưu tầm được rất nhiều phong cảnh đẹp và thú vị, như cảnh thành phố San Francisco, cánh rừng già, sóng biển, dòng nước hồ. Khi hai nhân vật thổ lộ tâm tư của mình, Hitchcock khéo léo chọn từng cơn sóng biển xô vào đá làm nền cho hai người, tạo điểm nhấn cho tình cảm mạnh mẽ, bùng nổ nhưng cũng nhiều thăng trầm của cả hai. Nét đẹp trong nghệ thuật hình ảnh đó rất hiếm trong thời đại CGI hiện đại.

Vertigo là một tác phẩm mà điện ảnh thế giới may mắn có được. Những yếu tố của phim đều rất đáng được phân tích và học hỏi. Nhưng nó đòi hỏi rất nhiều thời gian và kiên nhẫn. Mẫu câu chuyện của Vertigo rất xa lạ, phong cách hình ảnh mê hoặc một cách mơ mộng. Phim không khó để xem, nhưng rất khó để thưởng thức và nhận biết được những gì tài tình nhất của Hitchcock. Ông không bao giờ quan tâm phim của mình nên và không nên nói về nội dung nào. Ông không bao giờ quan tâm những kỹ thuật của ông liệu có hợp thời không. Ông tin rằng công việc của một người đạo diễn nằm ở điện ảnh thuần khiết, cũng giống như cách một người hoạ sĩ dùng nhiều màu sắc để khắc hoạ hình ảnh quỷ dữ trên vải. Bất cứ thứ gì đều có thể trở thành nghệ thuật, nếu chúng ta sử dụng đúng kỹ thuật một cách hiệu quả. Vertigo là một ví dụ điển hình.

Vertigo là một bộ phim nghệ thuật, nhưng liệu có là một bộ phim vĩ đại. Những câu hỏi xung quanh Vertigo luôn được tranh luận rất nhiều lần từ năm 1958 đến nay. Hitchcock luôn tin rằng vẻ đẹp của điện ảnh nằm ở việc hiệu quả sâu rộng của nó.

“Sức mạnh của điện ảnh, ở trạng thái thuần khiết nhất của nó, rất rộng và trải ra khắp thế giới. Trong một đêm, một bộ phim có thể được chiếu ở Tokyo, Đức, London, và mọi người sẽ có những cảm xúc và phản ứng giống nhau về cùng một thứ.”

Nhưng Vertigo lại là một chủ đề không nhận được sự đánh giá giống nhau từ tất cả mọi người. Có thể Hitchcock đi trước khán giả và những nhà phê bình. Có thể Vertigo chứa đựng nhiều điều khác lạ ở ông. Nếu lược bỏ hết những kỹ thuật được ông sử dụng, Vertigo đơn thuần là một tác phẩm lãng mạn. Nếu lược bỏ đi chủ đề thông thường đó, phim lại chứa đựng những kỹ thuật rất đáng học hỏi. Việc đánh giá một bộ phim hay nằm ở ý nghĩa hay kỹ thuật luôn là vấn đề rất hóc búa của những người xem phim. Nhưng hi vọng rằng, mỗi người khi xem Vertigo đều sẽ có được những cảm giác quý giá. Dù không cảm thấy nhẹ nhõm như những tác phẩm khác của ông, nỗi ám ảnh của Vertigo lại là một cảm xúc gần gũi hơn với đời thường hơn bao giờ hết.